Phân tích: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô bị phá sản

(VOH) - Cách đây 15 năm, chúng ta cấp phép cho 6 doanh nghiệp nước ngoài đâu tư vào Việt Nam về lĩnh vực ngành công nghiệp ô tô. Theo cam kết của các doanh nghiệp này thì sau 10 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đạt tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 30% và sau 20 năm thì tỉ lệ nội địa hóa có thể lên đến 60%. Nhưng ...

Phân tích: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô bị phá sản

(VOH) - Cách đây 15 năm, chúng ta cấp phép cho 6 doanh nghiệp nước ngoài đâu tư vào Việt Nam về lĩnh vực ngành công nghiệp ô tô. Theo cam kết của các doanh nghiệp này thì sau 10 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đạt tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 30% và sau 20 năm thì tỉ lệ nội địa hóa có thể lên đến 60%. Nhưng theo kết quả thanh tra thì 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp ô tô thì dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô tại các doanh nghiệp này đều trong tình trạng lạc hậu, chủ yếu lắp ráp bằng thủ công. Ngoài ra, việc đầu tư cho sản xuất linh phụ kiện trong nước để tăng tỉ lệ nội địa hóa này là không đáng kể. Hầu hết các linh phụ kiện lắp ráp ô tô tại Việt Nam, các công ty này đều nhập khẩu từ công ty mẹ ở chính quốc. Chính vì vậy mà tỉ lệ nội địa hóa chỉ đạt 2-7% giá trị xe dù các công ty này đã có 15 năm hoạt động. Như vậy, họ đã không thực hiện đúng cam kết và coi như chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bị phá sản. Đã thế, người tiêu dùng phải mua ô tô với giá cắt cổ, cao nhất Thế giới dù chất lượng không đạt các sản phẩm cùng loại do công ty mẹ sản xuất. Như thế, không chỉ bị phá sản về chủ trương nội địa hóa mà các cơ quan quản lý lại dễ dàng để cho các công ty này qua mặt. Giá phụ tùng, linh kiện mà các doah nghiệp này nhập khẩu từ công ty mẹ thì hoàn toàn do họ làm giá, không có một cơ quan quản ký nào giám sát việc kê khai của họ, kể cả hải quan, ngành thuế. Thanh tra đã chỉ ra rằng, do tự định đoạt giá phụ tùng linh kiện nên công ty mẹ đã quyết định cả giá bán. Mà lòng tham thì vô đáy nên giá ô tô trong nước cao hơn các nước trong khu vực nhưng lại được bao bọc của cái gọi là sự bảo hộ ngành công nghiệp ô to non trẻ trong nước. Vì được áp dụng thuế suất thấp và băng 0 nên đây cũng làm thất thu thuế nhập khẩu của nhà nước khi các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài đã lợi dụng sự ưu đãi này để làm lợi càng nhiều cho doanh nghiệp của mình. Đã thế, lấy lí do bảo vệ ngành công nghiệp ô tô non trẻ của đất nước nên với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ phải chịu thế suất 100%.

Dù được ưu đãi và bảo hộ, nhưng các doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài vẫn không hề quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp ô tô mà chỉ đơn thuần là lắp ráp, dán mác và bán. Lợi nhuận trong 15 năm qua của các doanh nghiệp này là khổng lồ nhưng lại được kê khai không đáng kể dù ai cũng thấy không hợp lý. Và theo lộ trình thì đến năm 2018, không còn ưu đãi mà cần áp dụng qui định của WTO thì các doanh nghiệp này không thể tiếp tục làm trò ma như vậy được nữa thì họ sẽ chuyển sang làm thương mại và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam coi như phá sản.

Những nhức nhối và bất hợp lý của cái gọi là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, mà thực chất là công nghiệp lắp ráp thì đúng hơn, thực tế không hề xa lạ với cơ quan quản lý và ngườ tiêu dùng. Dư luận xã hội đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Và cách đây 5 năm, Bộ Tài chính cũng từng lập đoàn thanh tra về ô tô để xem có hiện tượng chuyển giá từ công ty mẹ sang công ty con đang hoạt động ở Việt Nam hay không thì đã có câu trả lời nhưng kết quả thanh tra này cũng chỉ lưu ý trong nội bộ hai cơ quan, đơn vị biết với nhau, không được công khai, công bố và cũng không có các giải pháp ngăn chặn. Dư luận đã đặt câu hỏi, liệu có điều gì chưa rõ ràng, không trong sáng ở đây. Cuối cùng thì người tiêu dùng vẫn nai lưng ra mà chịu mức giá giá ô tô cao ngất ngưỡng mà không biết kêu ai, còn nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hưởng siêu lợi nhuận và chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam bị phá sản.

Nguyễn Khánh