Chờ...

Phát huy từ nội lực để tái cấu trúc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn

(VOH) - Trong đề án tái cấu trúc kinh tế của TPHCM, mục tiêu đầu tiên thành phố đặt ra là tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước. Nằm trong mục tiêu đó, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, được xem là một trong những mô hình công ty mẹ - công ty con thành lập sau cùng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của thành phố.
Lãnh đạo TPHCM tham quan nhà máy sản xuất của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn.

Ngay từ khi có quyết định chuyển sang mô hình mới (tháng 3/2006) và tháng 7/2010 chuyển thành Công ty TNHH một thành viên, ban lãnh đạo tổng công ty nhận thấy đây là thời điểm để kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy công ty đưa mô hình sản xuất, kinh doanh vào quỹ đạo chung theo xu hướng của thị trường.
Hiện nay, khi sắp xếp lại tổng công ty gồm: bốn nhà máy trực thuộc, 7 công ty con, 7 công ty liên kết, gần 5.000 công nhân…hoạt động sản xuất, kinh doanh tập trung chủ yếu vào bốn ngành mũi nhọn của thành phố là: công nghiệp cơ khí- chế tạo máy, hoá chất, điện tử- tin học, công nghiệp thực phẩm. So với ngày đầu thành lập, quy mô và tỷ trọng của các lĩnh vực này tăng trưởng khá ấn tượng . Bằng chứng cho thấy qua sáu năm chuyển đổi và đi vào hoạt động, kết quả kinh doanh rất khả quan, mức tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 17,5%/năm ( trong đó hoá chất tăng gần 23%, cơ khí trên 12%, thực phẩm 20%). Đáng chú ý là các dòng sản phẩm công nghiệp phụ trợ như: phụ tùng cao su, kỹ thuật nhựa, chi tiết phụ tùng máy móc, chế tạo khuôn mẫu chính xác, linh kiện điện tử….và các sản phẩm dân dụng như: máy nông nghiệp, mô tơ, quạt điện, xe đạp, sản phẩm nhựa gia dụng…không chỉ thoả mãn một phần nhu cầu sinh hoạt trong nước, mà còn góp phần nội địa hoá sản phẩm, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và tham gia vào thị trường xuất khẩu. Sở dĩ, để có được những bước tăng trưởng như hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Thọ - Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, ngoài những chính sách hỗ trợ của thành phố, cần phải phát huy nội lực của riêng mình làm thế mạnh. Bước đầu tiên của việc tái cấu trúc là phải đánh giá lại toàn bộ nguồn lực của tổng công ty sau đó tập trung vào bốn nhóm cần phải cơ cấu lại , đó là: tài lực, nhân lực, công nghệ thiết bị kỹ thuật và hệ thống. Ông cũng cho rằng, mọi thành công đều xuất phát từ con người, nên khi tái cơ cấu lại thì nhân lực là việc đầu tiên phải làm. Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết:

Xoay chuyển tình thế theo xu hướng thị trường là cách để doanh nghiệp tồn tại hiện nay, đối với các doanh nghiệp nhỏ trực thuộc Tổng Công ty kinh doanh không hiệu quả, Tổng công ty mạnh dạn “ xoá sổ”, cơ cấu lại mà cụ thể là: công ty cơ khí khuôn mẫu, công ty điện cơ Lidico và công ty điện tử tin học Sài Gòn. Đây là các doanh nghiệp vang bóng một thời, nhưng nay buộc phải thay đổi, tổ chức lại thành các công ty nhỏ và vừa. Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thọ cho rằng, có như vậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới hưởng được chính sách ưu đãi của quốc gia, của thành phố và các chính sách của quốc tế. Hơn nữa chính vì nhỏ và vừa nên các công ty này dễ dàng linh động xoay chuyển ngành nghề, tạo điều kiện xen vào lỗ hổng của thị trường nhanh hơn các công ty lớn. Nhờ vậy mà các công ty này từng bước khẳng định được vị thế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ sau quá trình tái cấu trúc. Cho rằng đây là một bước tái cấu trúc thành công, Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan nhận xét như sau:
Từ cơ bản sau 5 năm tái cấu trúc, Tổng công ty vạch ra các giải pháp ngắn, trung và dài hạn từ nay đến 2015, tầm nhìn 2020, để thực hiện tất cả các mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, trong kế hoạch ngắn hạn, Tổng công ty bám sát vào mức độ tăng trưởng, duy trì sản xuất hiện tại có cải tiến, tạo nền tảng cho việc thực hiện kế hoạch trung hạn là xây dựng các nhà máy nhỏ vừa phát triển công nghiệp phụ trợ như: dự án nhà máy chế tạo khuôn mẫu, sản xuất chỉ sợi cao su, cọc vách nhựa uPVC, gỗ MDF…xa hơn nữa là nhà máy sản xuất chíp điện tử và dự án khu liên hiệp cơ khí rèn - dập - đúc….đây là bước tiến dài để tạo đà phát triển cho công nghiệp phụ trợ và chuyển từ sản xuất thâm dụng lao động sang sản xuất công nghệ cao, phục vụ cho sinh hoạt, tiêu dùng lẫn an ninh quốc phòng. Ông Phạm Văn Đông - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM nhận xét:
Vượt qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế là một thành công lớn và hơn thế nữa, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn đã xác định mục tiêu và hướng đi đúng, khẳng định mình là doanh nghiệp đẳng cấp, đóng góp vào sự phát triển chung cho công nghiệp của thành phố. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng cần có sự hỗ trợ của thành phố về chính sách ưu đãi, sự đồng hành của các sở ngành, để xây dựng hình ảnh, thương hiệu và các gia trị vô hình cho tất cả các doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của tổng công ty. Đây được xem là các giá trị mang tính cộng hưởng, có tính kế thừa các giá trị cũ và được nâng tầm bởi các giá trị mới.