Phát triển ngân hàng bán lẻ: Tiềm năng nhưng không dễ

(VOH) - Năm 2015, trước sự bùng nổ công nghệ thông tin, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại (e-banking, mobile banking) đang phát triển nhanh và dự kiến trở thành xu hướng chủ đạo những năm tới.

Xu hướng chủ đạo

Nếu năm 2012 mới có 19 ngân hàng tham gia thị trường này thì đến năm 2014, số lượng tăng lên 30 ngân hàng. Trong khảo sát về hành vi khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng bán lẻ của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), xu hướng khách hàng tham gia vào dịch vụ của ngân hàng bán lẻ tăng rõ rệt, từ mức không đáng kể năm 2013 tăng lên 12% trong năm 2015.

Những năm tới, dư địa cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là rất lớn bởi khoảng 69% dân số là lao động trẻ, thu nhập bình quân càng tăng. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa và mức độ xâm nhập của internet, mobile trong đời sống xã hội rất mạnh... Đó là thị trường tiềm năng phát triển ngân hàng bán lẻ. 

Ảnh: Zing

“Miếng bánh” không dễ “ăn”

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, dù tỷ lệ dân số đông và trẻ nhưng chỉ 31% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn thế giới.

“Ở Việt Nam, thói quen sử dụng tiền mặt gây khó khăn lớn. Thứ hai, lâu nay dịch vụ ngân hàng hướng đến bán buôn. Trong 5 năm trở lại đây mới định hướng bán lẻ, do đó, cơ quan quản lý Nhà nước đang nghiên cứu và đưa ra chính sách. Có cái chưa bắt kịp xu hướng cũng như nhu cầu phát triển của sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Thứ ba, chúng ta mở cửa hội nhập, nhiều ngân hàng nước ngoài có chi nhánh và văn phòng đại diện tại Việt Nam, để cạnh tranh là điều không dễ dàng”, ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương (Vietcombank) phân tích.

Ảnh: nganhangonline

Để phát triển ngân hàng bán lẻ bền vững, bà Đặng Tuyết Dung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) cho rằng, cần xem quyền lực của người tiêu dùng là trọng tâm, cải thiện trải nghiệm khách hàng là ưu tiên hàng đầu. “Cách đây hơn 5 năm thì thường khách hàng phải kiếm ngân hàng, phải dựa vào các dịch vụ sẵn có của ngân hàng nhưng hôm nay việc đó không còn nữa !”, bà Dung thừa nhận.

Vấn đề cốt lõi trong phát triển thị trường bán lẻ của ngân hàng Việt Nam đó là công nghệ. Khái niệm “Bank 4.0” được nhắc tới, nghĩa là khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng mà không cần đến ngân hàng. Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB lý giải : “Để không chới với thì ngân hàng phải chạm vào thế giới mới của bank 4.0. Thế giới hôm nay rất kỳ lạ, khi một ứng dụng nào đấy đã triển khai trên thế giới thì chỉ trong nháy mắt đã có thể triển khai ở Việt Nam. Uber hay Facebook là một ví dụ”.

Theo các chuyên gia, bên cạnh đầu tư công nghệ thì áp dụng quản trị rủi ro cũng cần tiến hành song song. Các dự báo đều cho thấy, các vụ tấn công trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.