Tác động của gói kích cầu đầu tư đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

(VOH) - Trong quí 1/09, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đạt 3,1% là mức thấp nhất trong các năm qua. Mức tăng trưởng của du lịch, xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp cũng đều giảm so với năm 2008.

Tác động của gói kích cầu đầu tư đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

(VOH) - Trong quí 1/09, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đạt 3,1% là mức thấp nhất trong các năm qua. Mức tăng trưởng của du lịch, xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp cũng đều giảm so với năm 2008. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Với biện pháp kích cầu làm cú hích cho nền kinh tế để giảm suy thoái, sau 2 tháng triển khai thực hiện gói kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thông qua Ngân hàng, các doanh nghiệp, các nhà kinh tế, các nhà khoa học nói gì về hiệu quả từ gói kích cầu của Chính Phủ.

Hoạt động cho DN vay vốn với lãi suất thấp là một giải pháp hỗ trợ tốt cho “liệu pháp kích cầu”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận nguồn vốn, ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng Thư ký Hội Tin học TP HCM nói rằng hỗ trợ lãi vay 4% giảm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, với sự bảo lãnh của Ngân hàng, doanh nghiệp sẽ có được công nghệ mới, nhà xưởng mới. Nhưng để nhận được hỗ trợ lãi suất vay 4% phải theo Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư số 02/2009/TT-NHNN ngày 3/2/2009 và Công văn số 1436/NHNN –CSTT ngày 3/3/2009, điều 1.9 khoản b có ghi: “Các khoản cho vay ngắn hạn bằng VN đồng không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất phù hợp với Quyết định số 131/QĐ-TTg và khoản 4 điều 1 Thông tư số 02/2009/TT-NHNN” Thông tư này xem máy tính PC, máy laptop, máy nettop thuộc vào mặt hàng xa xỉ. Sản phẩm máy tính không thể là mặt hàng xa xỉ vì nó là điều kiện để mỗi cá nhân có thể tiếp cận thông tin giúp cho mọi đối tượng trong công tác, quản lý, học tập…Thông tư của Ngân hàng đã trói các doanh nghiệp vừa nhỏ có nguồn vốn lắp ráp, kinh doanh các sản phẩm ngành công nghệ thông tin đến với người tiêu dùng. Ông Phạm Thiện Nghệ cho biết:






Cũng không ít các doanh nghiệp cho rằng khó khăn chủ yếu hiện nay không phải là vốn mà là thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và ngoài nước, thiếu đơn hàng và hợp đồng sản xuất. Không có đơn hàng sản xuất, sản xuất bị thu hẹp, hoặc ngừng sản xuất buộc công nhân phải nghỉ việc, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Vì vậy kích cầu đầu tư song song với kích cầu tiêu dùng. Kích cầu tiêu dùng 1 cách sâu rộng từ thành thị tới thôn quê. Rất mừng là gói kích cầu cho nông thôn và nông dân vừa được Chính phủ thực hiện. Nếu kích cầu tiêu dùng bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ được thực hiện suôn sẽ thì mới kích thích sản xuất, kích hoạt được nền kinh tế. Thực tế cho thấy khi các doanh nghiệp bắt đầu làm nhiệm vụ phân phối kinh doanh cho sản phẩm của mình bằng chuyến đưa hàng về nông thôn. Thị trường mà lâu nay ta cứ nghĩ có sức mua yếu, nhưng không ít người đã mua 1 đơn hàng cho các sản phẩm tiêu dùng thông thường lên đến cả triệu đồng, đó là chưa kể đến nhu cầu cho tiêu dùng khác như Tivi, tủ lạnh và cả máy vi tính nữa. Những mặt hàng điện tử, điện lạnh lâu nay đưa về khu vực nông thôn thường là những mặt hàng có giá trị thấp đồng nghĩa với chất lượng kém. Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng, Chủ Tịch hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM cho rằng thị trường nông thôn có ý nghĩa chiến lược đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay:






Trong cơ cấu xuất khẩu của các XN có vốn đầu tư nước ngoài thì quí 1/09 xuất khẩu giảm 37% so với cùng kỳ năm 2008, trong khi đó hàng nội địa tiêu thụ thị trường trong nước tăng 17%. Do đó kích thích tiêu dùng vào nông thôn là biện pháp giảm suy thoái đồng thời duy trì được sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn linh hoạt, sản xuất đơn hàng nhỏ lẻ phù hợp sức mua của người tiêu dùng. Khu vực nông thôn rộng, với 80% dân số là nông dân, 1 thị trường lớn bị bỏ ngỏ do hạ tầng cơ sở kém, hệ thống phân phối yếu, hàng hoá chưa thuận tiện đến nông thôn lâu nay, sẽ là khu vực sử dụng hàng nội địa, dịch vụ nhiều nhất và có hiệu quả trong thời kỳ suy giảm kinh tế, nếu có biện pháp kích cầu tiêu dùng đúng mực/.

Hoàng Diệu