Tăng cường liên kết đưa trái vải đến tay người tiêu dùng

(VOH) - Sáng 10/6, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều 2015 đã diễn ra tại TPHCM.

Theo tỉnh Bắc Giang, năm 2014 giá cả vải thiều thấp nhất 5.000 đồng/kg, giá cao nhất 30.000 đồng/kg; vào thời điểm cuối vụ, giá vải tăng cao hơn dao động từ 14.000 đến 40.000 đồng/kg, giá vải sấy khô 50.000 – 60.000 đồng/kg, giá trung bình toàn tỉnh đạt 12.400 đồng/kg, tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng 2.368 tỷ đồng. Còn tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2014 việc tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá bán vải tươi bình quân từ 12.000-14.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất có giá là 35.000 đồng/kg, vải sấy khô cũng đạt từ 50.000-60.000 đồng/kg, tổng giá trị sản xuất vải toàn tỉnh năm 2014 đạt gần 400 tỷ đồng.

Ảnh minh họa - Nguồn: TNO.

Những năm qua, thị trường nội địa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ vải thiều, nhất là các tỉnh phía Nam. Hằng năm, thị trường phía Nam tiêu thụ khoảng 65% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa, chủ yếu ở TPHCM, các tỉnh lân cận. Vải thiều được vận chuyển từ Bắc Giang, Hải Dương bằng container bảo quản lạnh vào các chợ đầu mối lớn như chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn. Theo Sở công thương TPHCM, năm 2014 tiêu thụ 60.000 tấn thì năm 2015 sẽ tăng khoảng 80.000 tấn.

Lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương đưa chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tích cực hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ vải thiều, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác thu mua, tiêu thụ vải thiều, hỗ trợ cho hai tỉnh và doanh nghiệp đưa vải thiều vào bán tại các siêu thị hiện đại. Đề nghị cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố trong cả nước đặc biệt là các tỉnh có biên giới với Trung Quốc phối hợp với các ngành chức năng và ngoài nước trong giải quyết thủ tục hành chính, vận chuyển và tiêu thụ vải thiều; thông tin kịp thời về diễn biến thị trường và tình hình tiêu thụ để kịp thời thông báo cho người sản xuất, tiêu thụ biết, tránh trường hợp thương lái ép giá hoặc vận chuyển hàng đến nơi nhưng không tiêu thụ được…

Ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo: "Cần phải tiếp tục có sự quan tâm của chính quyền địa phương cho việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn bà con và đôn đốc nông dân tổ chức thực hiện canh tác và sản xuất trái vải theo quy trình, kỹ thuật hiện đại và bảo vệ môi trường, đảm bảo sản phẩm có chất lượng, phù hợp với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như kiểm định thực vật của thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây là những nội dung rất quan trọng để năng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững sản phẩm này".

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hỗ trợ tiêu thụ vải thiều năm 2015 giữa hai Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang và Hải Dương với Sở Công Thương 10 tỉnh thành; đồng thời 3 chợ đầu mối, 6 hệ thống phân phối nội địa, 7 công ty xuất nhập khẩu về nông sản ký kết hỗ trợ tiêu thụ vải thiều với 2 huyện có nguồn cung ứng vải thiều là Thanh Hà và Lục Ngạn.