Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam

(VOH) - Ngày 8/9, tại TPHCM, Trung tâm Chính sách Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Liên minh Nông nghiệp, tổ chức Diễn đàn chính sách nông nghiệp "Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam".

Diễn đàn chính sách nông nghiệp "Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam".Ảnh: Nguyễn Thắng

Qua những số liệu báo cáo tại diễn đàn thì nước ta có 2,2 triệu hộ chăn nuôi, trong đó hơn 16.600 hộ nuôi gà quy mô lớn trên 1.000 con. Trong ngành chăn nuôi, có các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài như CP, Cargill, Proconco, ANT, Greenfeed, Japfa... Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2012 đạt gần 10 tỷ USD, tương đương hơn 201.000 tỷ đồng.

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, có 4 nút thắt lớn của ngành chăn nuôi là năng suất, chất lượng, thức ăn chăn nuôi, hệ thống tổ chức ngành và công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra còn có một số ẩn số như không nắm được chính xác số lượng, không biết giá bán thức ăn chăn nuôi, thiếu sự minh bạch, hiện tượng neo giá, làm giá thị trường. Giải quyết vấn đề này, ông Sơn đề xuất: "Để có thể cạnh tranh được trong sân chơi chung của thế giới, bắt buộc chúng ta phải giải quyết được 4 nút thắt, kể cả những vấn đề về kỹ thuật cũng như vấn đề về quản lý, 3 ẩn số trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi thuộc lĩnh vực quản lý cần được tập trung giải quyết. Còn những vấn đề kỹ thuật về năng suất, về hạ giá thành sản phẩm của giống vật nuôi hay thức ăn chăn nuôi, đó là cả câu chuyện dài".

Ngành thủy sản thời gian qua phát triển được là do dựa vào các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hiệp hội ngành nghề và cơ quan quản lý chất lượng thủy sản. Bên cạnh những vấn đề cần giải quyết về quản lý chất lượng, quy định doanh nghiệp phải tham gia hiệp hội ngành hàng...thì cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước cũng cần thay đổi.

Nước ta có 16.600 hộ nuôi gà quy mô lớn trên 1.000 con. Ảnh minh họa: vienchannuoi

Về thị trường gạo xuất khẩu, sau một thời gian tăng cả về số lượng và giá trị thì nay xuất khẩu của nước ta đang sút giảm khoảng 20%/năm và chịu nhiều cạnh tranh với một số quốc gia xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar..."Tôi cho rằng chính cơ chế độc quyền tập thể của ngành lúa gạo, của Hiệp hội lúa gạo cũng như của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood), đã làm cho ngành lúa gạo của chúng ta bị thụt lùi. Vì nếu chúng ta chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn mà chúng ta không tạo điều kiện cạnh tranh cho các doanh nghiệp khác thì rất khó", bà Nguyễn Thị Hồng Minh, thành viên của Liên minh Nông nghiệp nói.

Ngày 9/9, tại Hà Nội một diễn đàn tương tự sẽ diễn ra và sau đó Ban tổ chức sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu để đề xuất xây dựng, sửa đổi cơ chế chính sách nhằm giúp ngành chăn nuôi và xuất khẩu gạo nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ổn định, bền vững hơn.