Thị trường sau Tết Nhâm Thìn: Ít biến động về giá

(VOH) - Theo đánh giá của Sở Công thương TP.HCM, tình hình thị trường Tết Nhâm Thìn có nhiều điểm mới. Nổi bật là sức mua tăng cao đột biến vào các ngày cao điểm cận Tết nhưng giá cả vẫn giữ được ổn định, không biến động tăng. Riêng nhóm hàng lương thực - thực phẩm lại có giá giảm. Các chương trình khuyến mãi sâu trong hai ngày 28 và 29 Tết được công bố rộng rãi, tạo tâm lý yên tâm, không lo lắng tăng giá trong người dân và hạn chế được tình trạng đầu cơ nâng giá.


Mua trái cây tươi tại gian hàng trong siêu thị. Ảnh-TTO

Tết năm nay thể hiện rõ xu hướng mua sắm tại các siêu thị. Thị trường ổn định do có lượng hàng hóa chuẩn bị và cung ứng kịp thời, dồi dào, phong phú và tạo xu hướng giảm giá do doanh nghiệp không tính đến thời gian tiêu thụ hàng hóa năm nay ít hơn vì Tết đến sớm hơn một tháng và tháng Tết ít hơn một ngày. Hơn nữa, do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm, thời gian nghỉ Tết kéo dài, công nhân lao động về quê, người dân Thành phố có kế hoạch đi chơi xa nên ít mua sắm dự trữ.
Các cửa hàng, siêu thị như: Co.opFood, Vissan, Co.opMart, Vinatexmart, Big C, Lotte,... tập trung cung cấp các sản phẩm thực phẩm tươi sống với lượng hàng dồi dào, giá cả ổn định, nhiều loại hàng hóa tiếp tục giữ giá khuyến mãi từ trước Tết. Tuy lượng khách đến mua sắm giảm mạnh so với cao điểm trước tết nhưng vẫn được đánh giá là tăng cao hơn so cùng kỳ. Giá mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gà được giữ giá ổn định là do các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá cả thị trường chủ động khuyến mãi giảm giá. Cụ thể, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Vissan, Saigon Co.op và Vinatexmart liên kết giảm giá 10.000 đ/kg trên tất cả loại thịt gia súc, kéo dài đến hết mùng 5 Tết; Công ty Phạm Tôn giảm giá 2.000 đ/kg thịt gia cầm, kéo dài đến mùng 9 tết. Ông Văn Đức Mười, Tổng GĐ Công ty Vissan nói:

Những ngày sau Tết, các cửa hàng, siêu thị đưa ra nhiều chương trình giảm giá nhãn hàng riêng hoặc giảm giá hàng ngàn sản phẩm khác từ 5% - 50% để thu hút khách hàng. Từ mùng 2 tết đến nay, sức mua tại hệ thống Co.opMart tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Mặt hàng bán chạy nhất là thịt gà với 20 tấn được tiêu thụ, kế đến là thịt gia súc, rau củ quả, trái cây. Trung bình, mỗi ngày Co.opMart bán ra khoảng 60 tấn thịt gia súc, rau củ quả, trái cây. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng GĐ Saigon Co.op có lời khuyên đối với người tiêu dùng:
Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc Đối ngoại và Quan hệ công chúng của hệ thống siêu thị Big C, hiện doanh số tại các siêu thị Big C đã trở lại bình thường, hàng hoá đầy đủ, dồi dào. Ngoài các mặt hàng tươi sống, một số khách hàng cũng chọn mua quần áo thời trang, hàng phi thực phẩm. Tại các siêu thị ven ngoại thành, lượng khách tăng cao hơn ngày thường do nhiều gia đình kết hợp mua sắm với vui chơi, ăn uống tại các khu trò chơi, ẩm thực tại siêu thị.

Ba chợ đầu mối, ngay từ tối mùng 1 Tết đã mở cửa hoạt động trở lại, lượng hàng về chợ chiếm khoảng 25 - 30% so thời điểm trước tết do chủ yếu chỉ cung cấp hàng hoá cho các chợ lẻ và cửa hàng thực phẩm. Thông thường, phải đến khoảng mùng 8, mùng 9 tháng giêng, chợ đầu mối mới trở lại nhịp sinh hoạt bình thường vì sau tết, sức mua yếu, một số tiểu thương vẫn đóng cửa ô vựa để về quê, đi chùa… Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó GĐ Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức phân tích lý do giá ở chợ đầu mối thấp nhưng về đến chợ lẻ thì lại nhích nhẹ:
Từ mùng 2 Tết đến nay, khoảng 60% - 70% tiểu thương ngành hàng tươi sống, rau củ quả đã bán hàng trở lại, giúp người dân có điều kiện mua sắm mà không phải lo ngại về vấn đề giá cả tăng. Tuy nhiên, lượng hàng bán không nhiều, chủ yếu tập trung ở khu vực lề đường, trước cổng chợ. Hàng hoá kinh doanh chủ yếu là thuỷ hải sản, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả và trái cây. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, sức mua sau tết khá chậm nên đa số tiểu thương chỉ lấy hàng số lượng ít, bán đến trưa là dọn dẹp ra về. Giá cả tại chợ lẻ tương đối ổn định do chịu tác động từ các chương trình khuyến mãi của các hệ thống cửa hàng, siêu thị. Nhiều mặt hàng có giá giả mạnh như bánh mứt kẹo, hoa, thủy hải sản. Riêng mặt hàng gà ta có giá tăng nhẹ, khoảng 5.000 đ/kg do nhu cầu cúng Tết tăng cao.

Thêm một tín hiệu vui từ Tết Nhâm Thìn, hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường, khoảng 90 - 95% tại các cửa hàng, siêu thị. Trong chợ truyền thống, nhiều sản phẩm Việt Nam với thương hiệu mới lạ, mẫu mã đẹp mắt xuất hiện. Thị trường Tết Nhâm Thìn được xem là đạt kết quả “kép” khi người dân tin và chọn mua hàng Việt tại các điểm bán hàng bình ổn giá cả thị trường. Một kết quả có được từ sự kiên trì của lãnh đạo TP trong chỉ đạo và điều hành các chương trình đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP nhìn nhận:
Bên cạnh những mặt tích cực từ Tết Nhâm Thìn, vẫn còn điều đáng quan tâm từ giá dịch vụ giữ xe. Tại các khu vui chơi và khu vực trung tâm TP, giá giữ xe gắn máy giữ ổn định ở mức 2 ngàn đồng/chiếc nếu do lực lượng thành niên xung phong đảm nhận. Tuy nhiên, mức giá giữ xe vọt lên ở mức 15-20 ngàn đồng/chiếc nếu do các nhà dân, tư nhân giữ. Một thực trạng kéo dài qua nhiều cái Tết nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo..