Tìm giải pháp thị trường cho doanh nghiệp

(VOH) - Sáng ngày 19/4, tại TPHCM, Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã tổ chức Diễn đàn kinh doanh lần thứ 3 với chủ đề “Giải pháp thị trường: Thông điệp chính sách và thực tiễn doanh nghiệp”. Diễn đàn thu hút 300 khách mời là các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý tham gia bàn về các giải pháp tạo lập thị trường ra sao để vượt qua khó khăn, từ nghệ thuật tìm kiếm nguồn vốn, cách thức phát triển thị trường cho đến phương thức kinh doanh và quản trị, tầm nhìn về chuỗi cung ứng…

Theo báo cáo của bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng ba tháng đầu năm 2012, có 2.200 doanh nghiệp phải giải thể và 9.900 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động. Nền kinh tế từ chỗ nhập siêu chuyển sang xuất siêu trong quý I. Vì vậy, giải pháp thị trường và giải pháp vốn đang là vấn đề nóng hiện nay. Các vấn đề được đặt ra tại diễn đàn nhằm tìm kiếm sự gắn kết giữa các thông điệp chính sách và thực tiễn kinh doanh trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn và nhiều biến động.

Theo nhận định của tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, “đáy” của sản xuất kinh doanh năm nay có thể là quý II. Tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không đạt mục tiêu 6%, sự đồng thuận ở mức 5,5%. Về trung hạn Việt Nam đang muốn ổn định lạm phát năm nay 5-6% nhưng rủi ro được cảnh báo là việc nới lỏng lãi suất không phù hợp thì lạm phát năm sau có thể quay về 13-14%. Tiến sĩ Võ Trí Thành nói:

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì vấn đề đặt ra là phải cứu sản xuất, làm sao để sự phá sản doanh nghiệp nằm ở ngưỡng có thể chấp nhận được. Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng:

Từ kinh nghiệm của một ngân hàng, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), thừa nhận rằng thời gian qua việc đầu tư và cho vay không hiệu quả. Về cơ chế nhà nước, theo ông Hải, dù chúng ta cam kết không có sự phân biệt giữa các khối doanh nghiệp, nhưng thực tế là có. Bản thân ngân hàng và doanh nghiệp tự tìm ra giải pháp chứ không thể chờ. Chữ tín là vấn đề lớn trong cam kết tài chính.

Trong tình hình còn nhiều khó khăn như hiện nay, lãi suất phản ánh độ khan hiếm của vốn. Ngược lại, doanh nghiệp yếu kém sẽ rất khó “hấp thụ” được vốn vay từ ngân hàng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp không được chờ đợi hay xem xét mà phải tìm cách tự vươn lên. Bên cạnh những giải pháp về thị trường vốn đã đề cập, các giải pháp khai thông thị trường cho doanh nghiệp cũng được thảo luận thông qua kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu, các rào cản thương mại và quản trị chuỗi cung ứng nhằm gia tăng năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp./.