TPHCM tận dụng lợi thế tạo đà bức phá trong năm mới 2015

(VOH) - Dù trong bối cảnh chung vẫn còn gặp không ít khó khăn, song ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, kinh tế của TPHCM vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2014. Đây là tín hiệu vui cho thấy, các doanh nghiệp đã biết tận dụng cơ hội và lợi thế của mình để tạo nên sự phát triển. Và trong năm 2015, những thế mạnh riêng của từng lĩnh vực sẽ tiếp tục được phát huy để tạo đà bức phá gắn với sự phát triển chung của kinh tế TP.

Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, ngành công nghiệp của Việt Nam đã từng bước đáp ứng nhiều sản phẩm cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Phần lớn thành quả đó chính là do các doanh nghiệp đang dần chủ động, tận dụng những lợi thế vốn có và mở rộng sự liên kết để cùng nhau phát triển.

Khách đến tham quan  Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may (VTG) 2014 tại TPHCM. (Ảnh: Vietnam+)

Sản xuất công nghiệp luôn là ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực của TPHCM. Do đó, cơ cấu phát triển ở các lĩnh vực sản xuất của Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn cũng không nằm ngoài định hướng chung đó. Trong năm 2014, các ngành chế biến tinh-thực phẩm, ngành hóa chất –cao su-nhựa, ngành cơ khí chế tạo máy và ngành điện tử-bán dẫn –công nghệ thông tin đã được Tổng công ty chú trọng phát triển đồng đều. Kết quả đạt được khá ấn tượng với tổng doanh thu thực hiện hơn 5.547 tỷ đồng, vượt kế hoạch 14%, lợi nhuận thu về gần 252 tỷ đồng. Vì vậy, trong năm 2015, Tổng công ty chú trọng đến phát triển ngành công nghiệp phụ trợ mà cụ thể là các sản phẩm liên quan đến nhựa dùng trong công nghiệp chế tạo vỏ ô tô, khuôn mẫu…để tạo đà phát triển.

Ông  Nguyễn Hoàng Hoa, Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cho biết: “Thời gian qua chúng tôi tận dụng xây dựng được nhà máy cao su Thống Nhất. Nhà máy này sản xuất những mặt hàng cao su kỹ thuật cao , nằm trong ngành công nghiệp hỗ trợ về xe hơi. Hiện nay những thương hiệu xe hơi như Mercedes-Benz ...toàn bộ những thương hiệu nổi tiếng này đều sử dụng một số hàng của công ty cao su Thống Nhất. Mà tiền thân của chúng tôi là tập trung ưu điểm của ngành nghề thuốc lá để đầu tư vào đây”.

Còn với Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, theo dự báo giá cả thị trường sẽ ổn định trong năm 2015 nên công ty cho rằng đây sẽ là cơ hội để củng cố hoạt động và tập trung đầu tư phát triển sản xuất. Các dự án trước tiên mà công ty nhắm đến đó là xây dựng đồng cỏ, chuồng trại và nhập khẩu 1.400 con bò cái sữa giống và tinh từ Úc, Mỹ, nhập khẩu 500 con dê để cải tạo phát triển đàn để phục vụ nguồn nguyên liệu cho nhà máy sữa. Song song đó là tập trung đầu tư cải tạo các nhà máy giết mổ gia súc tập trung, an toàn, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, nhà máy sữa…để hoàn thiện quy trình sản xuất. Đó cũng là điều kiện để Tổng công ty phát triển theo hướng tăng khả năng cạnh tranh lợi thế trên thị trường nhằm tích lũy để tái sản xuất mở rộng và phát triển, giữ vững tốc độ tăng trưởng, cải thiện đời sống và thu nhập của người lao động. Điều quan trọng là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Ông Nguyễn Văn Trực, Tổng giám đốc công ty, cho hay: “Một số ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi heo, bò, gia cầm. Trong quản lý giống áp dụng kỹ thuật phân tích gen, sử dụng phần mền Guop, chip điện tử và camera theo dõi cụ thể từng cá thể giống. Bên cạnh đó thực hiện tự động hóa cung cấp thức ăn nhằm giảm lượng thức ăn dư thừa rơi vãi, và lượng ăn dư thừa trong quá trình sản xuất. Chọn và lai tạo con giống mới đặc thù về heo, gà mang thương hiệu Sari của tổng công ty”.

Với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa hiện nay, nếu phải đầu tư nuôi đàn bò sữa doanh nghiệp sẽ phải tính đến 3 yếu tố: quỹ đất quy mô lớn, thức ăn và nguồn nhân lực – công nghệ. Do đó, việc hợp tác có thể giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, qua đó góp phần hạ giá sữa.

Sự liên kết giữa Vissan- Nutifood và Hoàng Anh Gia Lai được hình thành chính từ quan điểm tận dụng những lợi thế để cùng nhau phát triển. Chiến lược này đã được khởi động từ tháng 6/2014 cho đến nay. Dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt hợp tác tiêu thụ của Hoàng Anh Gia Lai với Vissan theo quy mô 116.000 con, dự kiến cung cấp bò thịt mỗi tháng từ 800-1500 con bò. Riêng đối với Vissan, thị trường nội địa sẽ là thị trường chiến lược mà công ty tiếp tục nhắm đến trong năm 2015 găn kết với 130.000 điểm bán lẻ sản phẩm trên toàn quốc và thực hiện bình ổn thị trường.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc công ty, cho rằng: “Đối với TPHCM, chúng tôi tự nguyện đăng ký bán theo giá bình ổn , bình ổn là phải thấp hơn thị trường bao nhiêu phần trăm và đảm bảo bao nhiêu điểm bán. Chúng tôi làm tốt 2 vấn đề này. Có 2 mặt lợi ích tương tác với nhau, thứ nhất là khi làm bình ổn thì người tiêu dùng tin tưởng thương hiệu và mua sản phẩm của mình, mà mua nhiều thì mình lại có cơ hội phát triển  để kinh doanh. Đối với các điểm bán thì phát triển được”.

Ở lĩnh vực dệt may, Tổng công ty dệt may Gia Định, tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu lại doanh nghiệp, lấy ngành dệt, sợi, may làm chủ lực và hướng đến các thị trường xuất khẩu chính Nhật, Mỹ, châu Âu, hoàn thiện quy trình sản xuất, cải tạo môi trường lao động để đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dự án mà công ty thực hiện đó là phát triển nhà máy sợi để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và từng bước khép kín quy trình sản xuất. Ông Lê Đông Triều, Tổng giám đốc công ty cho biết cụ thể hơn về chiến lược này: “Hiện nay dệt may Gia Định cũng đang có một nhà máy sợi ở KCN Tân Tạo. Trước mắt sẽ đáp ứng cho hoạt động của doanh nghiệp 30%, còn cung ứng ra thị trường và các doanh nghiệp là 70%. Đó là một chủng loại đặc biệt, do vậy không chỉ cung cấp cho công ty trong nước mà còn xuất vào các khu chế xuất. Đây là ngành công nghiệp mà TPHCM đang khuyến khích vì hiện nay tỷ lệ nội địa hóa thì phải có 60% nội địa hóa sản phẩm”.

Tất cả những định hướng phát triển của doanh nghiệp đều được thực hiện trên đà kết quả đạt được của năm 2014. Và những định hướng đó đều phù hợp cũng như cụ thể hóa nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế của TPHCM năm 2015. Trong đó, vấn đề chủ lực là tập trung phát triển những ngành công nghiệp mà TP có lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khai thác nguồn nhân lực có trình độ cao. Phát triển công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, năng suất lao động cao, giá trị gia tăng lớn, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh và kết hợp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của 4 ngành công nghiệp thiết yếu. Đó là cơ khí- điện tử- công nghệ thông tin. Song vấn đề quan trọng là tăng tỷ lệ công nghiệp chế biến, nâng cao tỷ lệ nội hóa dược-cao su-chế biến tinh lương thực-thực phẩm, địa hóa, giảm thâm dụng lao động...theo hướng gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp để hỗ trợ nguồn vốn vay.

“Cái mới trong năm nay và những năm tới là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành công nghiệp, chỉ số IPP từ chiều rộng sang chiều sâu. Vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kể cả hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi trang thiết bị, đầu tư thêm thiết bị mới. Đây là những mô hình mà các kết quả hết sức thực tiễn. Bên cạnh đó, phải tiếp tục tập trung gắn kết giữa các ngân hàng trên địa bàn với các doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo. 

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, các rào cản kỹ thuật, những đòi hỏi về chất lượng của các nước ngày càng cao và khắt khe, thị trường trong nước ngày càng xuất hiện nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy cần phải có sự chung sức đồng lòng của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng mới có thể hiện thực hóa được những mục tiêu, định hướng phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam. Với sự chủ động của từng ngành từng lĩnh vực hy vọng rằng chỉ tiêu phát triển ngành công nghiệp của TPHCM sẽ đạt mốc tăng 7% trong năm 2015 như kế hoạch đã đề ra./.