TPHCM và ĐBSCL mời gọi đầu tư phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao

(VOH) - Có 69 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư ở TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được giới thiệu tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Vùng đồng bằng sông Cửu Long - thành phố Hồ Chí Minh”, diễn ra vào sáng nay (1/7).

Thành phố Hồ Chí Minh hiện là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Tuy chỉ chiếm 0,63% tổng diện tích và khoảng 6,6% tổng dân số cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang đóng góp 22% tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách cả nước. Với hạ tầng giao thông phát triển, cảng biển hiện đại, các khu công nghiệp rộng lớn cùng môi trường đầu tư thông thoáng; TPHCM có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh hội nghị.

ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nơi đây được mệnh danh là vựa lúa, vựa thủy hải sản của cả nước, hàng năm đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.

Trong mối tương quan với TPHCM, ĐBSCL không chỉ là nguồn cung cấp lương thực thực phẩm mà còn là nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Và ngược lại, TPHCM không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là nơi kết nối, khởi nguồn cho các dự án đầu tư vào ĐBSCL. Hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ giữa TP HCM với miền Tây Nam bộ hứa hẹn thúc đẩy hơn nữa liên kết trong đầu tư, thương mại và du lịch của hia địa điểm.

Các năm qua, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của ĐBSCL có nhiều bước tiến đáng kể, nhưng hoạt động này vẫn còn những hạn chế nhất định, thiếu liên kết. Vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ĐBSCL còn thấp.

Thương mại giữa ĐBSCL với TPHCM ngày càng được mở rộng, nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn. Du lịch chưa kết nối được nhiều tour, tuyến từ TPHCM đến ĐBSCL.

"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức quốc tế tìm hiểu các dự án mời gọi đầu tư của vùng ĐBSCL, nhất là các dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển dịch vụ du lịch,...", ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng Ban thường trực, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ mời gọi.

Một gian hàng tại hội nghị.

Tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM đã giới thiệu 69 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Hầu hết địa phương tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng giao thông, cảng; chú trọng nhất mời gọi đầu tư phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà cả trong lĩnh vực thủy sản; mong nhận nhiều đầu tư vào chế biến nông – thủy sản, phát triển các khu thương mại – dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng khách sạn cao cấp, khu du lịch – giải trí.

Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang còn tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế biển. Hai tỉnh An Giang, Long An tiếp tục mời gọi đầu tư vào các khu thương mại – dịch vụ, khu kinh tế cửa khẩu. Quan tâm đến việc tiêu thụ nông sản, Vĩnh Long mời gọi đầu tư vào Trung tâm giao dịch hàng nông sản Bình Minh trên diện tích 1,1ha và tỉnh Hậu Giang mời gọi đầu tư vào chợ nông sản chất lượng cao quy mô đến 100 ha, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàn các sản phẩm mang thương hiệu địa phương đưa vào thị trường chung cả nước.

Một số sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cẩm Tuyên cho biết: "Vừa qua chúng tôi cũng xây dựng được 10 sản phẩm chủ yếu là: bưởi hồ lô của xã Phú Hữu, huyện Châu Thành; cam sành Ngã Bảy; quýt đường Long Trị; khóm Cầu Đúc… Đây là những thương hiệu chúng tôi đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đầu tư vào cây giống và các quy trình sản xuất để kêu gọi nhà đầu tư, đảm bảo các thương hiệu của Hậu Giang ra thị trường tốt hơn".

Thời gian qua, với các chính sách ưu đãi của TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL thì hầu như mặt hàng nông sản nào của vùng ĐBSCL cũng được các doanh nghiệp TPHCM tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức. TPHCM và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã cùng phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và từng bước chuyển giao ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; đầu tư phát triển vùng lúa thâm canh; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo khoa học về kỹ thuật sản xuất trái cây theo hướng VietGAP; đầu tư xây dựng trại chăn nuôi gia cầm, thủy hải sản tập trung; đầu tư xây dựng các nhà máy; đầu tư các chợ đầu mối nông, ngư nghiệp, gia cầm và trái cây, các trung tâm thương mại (siêu thị), các vùng nguyên liệu nông sản; kết nối cung - cầu; hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch của ĐBSCL.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị.

TPHCM luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu và hoạt động kinh doanh tại thành phố.

"Với chính sách thông thoáng, cởi mở và phương châm xem thành công của các doanh nghiệp là thành công của chính mình, chúng tôi hoan nghênh và cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại Thành phố. Bên cạnh đó, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục cùng với các tỉnh thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, các bộ/ngành Trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh", Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, là điều kiện thuận lợi, bước khởi đầu để các nhà đầu tư tìm hiểu các dự án, cơ chế, chính sách ưu đãi của các địa phương. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, đối thoại với các cơ quan chức năng, nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh quảng bá, liên kết, hợp tác giữa ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo thành vùng phát triển tạo động lực phát triển chung cho cả nước./.