Triển vọng và thách thức cho ngành cà phê Việt Nam

(VOH) - Sản lượng cà phê thế giới thiếu hụt trong khi nhu cầu tăng mạnh, cộng với những giải pháp mang tính đột phát gần đây, đang mở ra nhiều cơ hội và triển vọng cho ngành cà phê VN trong thời gian tới.

Chất lượng cà phê Việt Nam bị ảnh  hưởng do một phần rất lớn từ biến đổi khí hậu (ảnh minh họa: Đài đoàn kết)

Ông Roberio Oliveira Silva, Giám đốc điều hành của Tổ chức cà phê quốc tế trong một bình luận gần đây đã cảnh báo rằng niên vụ 2014-2015 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 800.000 bao cà phê. Ông còn nói thêm sản lượng Brasil năm tới có thể thấp hơn nhu cầu 3 triệu bao sau khi bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Điều này củng cố niềm tin rằng giá cà phê trong nước và trên thế giới sắp tới sẽ sáng sủa và rất có lợi cho cả doanh nghiệp và người trồng cà phê VN. Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao VN nhận định: “Lần đầu tiên sau 4 năm, các chuyên gia thế giới dự báo cung không đủ cầu và  thiếu hụt sản lượng độ khoảng từ 5 triệu đến 13 triệu bao. Số liệu này theo rất sát vào từng thời vụ, các nước sẽ đánh giá lại số liệu đó, nhưng thiếu là chắc chắn. Điều đó sẽ tác động đến giá cà phê trong nước và trên thế giới trong vụ tới của chúng ta”.

Tin từ Hiệp hội cà phê ca cao VN cho hay, kết thúc niên vụ 2013-2014, tổng lượng cà phê VN xuất khẩu đạt trên 1,6 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng và 12,5% về kim ngạch. Trước tình hình sản lượng cà phê thế giới thiếu hụt thì giá cà phê vụ tới sẽ nằm ở mức tốt để người trồng cà phê yên tâm đầu tư. Điều căn bản để ngành cà phê phát triển ổn định không chỉ cần giá tốt mà đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chiến lược từ các cơ quan quản lý. Về vấn đề này TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết: “Nhìn chung trong 2 năm qua đã xuất hiện những giải pháp mang tính đột phá và tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới. Ví dụ như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó cà phê là một trong những mặt hàng chiến lược. Đồng thời ngành cà phê là ngành đầu tiên có đề án phát triển bền vững cho đến năm 2020, có lẽ là chưa có một ngành nào có đề án phát triển bền vững”.

Vẫn biết rằng, những giải pháp trên sẽ là tiền đề để ngành cà phê VN định ra hướng phát triển mang tính bền vững hơn. Vậy nhưng cơ hội bao giờ cũng đi liền với thách thức mà thách thức lớn nhất của ngành cà phê VN đó chính là vấn đề tái canh. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, thừa nhận: “Đứng về khía cạnh của trồng trọt thì phải nói là số diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh hại, năng suất thấp ngày càng tăng. Do vậy nếu không có những chương trình tái canh phục hồi thì chúng ta sẽ sụt giảm sản lượng trong những năm tới”

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay tổng diện tích cà phê cả nước đã lên đến gần 635.000 hecta, trong đó diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi khoảng 86.000 hecta chiếm 15% diện tích. Ngoài ra có trên 40.000 hecta cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất và chất lượng thấp. Tính ra tổng diện tích cà phê cần trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 đến 10 năm tới khoảng 150.000 hecta. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với Ngân hàng thế giới xây dựng dự án hỗ trợ vốn tái canh cà phê, đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án hỗ trợ vốn cho vấn đề này ở các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, đối với nguồn vốn hỗ trợ tái canh cà phê hiện nay, người nông dân thường khó tiếp cận được vì mức lãi suất còn cao. Nông dân Nguyễn Tấn Trung trồng 5 hecta cà phê Robusta ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, bộc bạch: “Đa phần nông dân mong muốn lãi suất thấp khoảng 6-6,5% bằng với lãi suất của Ngân hàng chính sách thì họ sẽ mạnh dạn làm”.

Cũng theo Hiệp hội cà phê ca cao VN, hiện tại mức lãi suất hỗ trợ cho tái canh cà phê đang là 8%/năm. Với mức lãi suất này khó để người nông dân cũng như doanh nghiệp có thể đẩy mạnh tái canh. Trong khi đó nếu 10 năm nữa mà VN không tái canh kịp thì khả năng ngôi vị thứ hai thế giới về sản lượng cà phê nhân của chúng ta sẽ bị mất. Đây cũng là câu chuyện đã từng diễn ra ở Colombia và Indonesia. Bên cạnh đó, thách thức của ngành cà phê VN cũng không chỉ nằm ở vấn đề diện tích cà phê già cỗi đang gia tăng mà tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu cũng sẽ đe dọa đến ngành cà phê trong tương lai. Ông Nguyễn Văn Thiết, trưởng đại diện Tổ chức UTZ Certified Việt Nam lưu ý: “Theo nhận định của các nhà khoa học, hiện nay, về mùa khô nhiệt độ trời nóng thì nóng nhiều hơn, về mùa mưa đã lạnh thì lạnh nhiều hơn và nhiệt độ thay đổi trong phạm vi 0,7 oC bình quân từ đây đến năm 2020. Lượng mưa không tập trung, mùa mưa từ đây đến năm 2020 xu thế giảm, như vậy hiện nay nhiệt độ cao tình hình thiếu nước, nhưng trong phạm vi 10 năm tới lượng mưa ít đi, cho nên lượng nước chúng ta sẽ thiếu nhiều hơn, làm cho ra hoa không tập trung, sinh trưởng phát triển kém. Đây cũng là một trong những lý do mà hiện nay có xu thế là cà phê những tỷ lệ hạt sàn 16-18 ngày càng giảm và 13 ngày càng tăng, đó là những cái ảnh hưởng về chất lượng do một phần rất lớn từ biến đổi khí hậu”.