TS. Trần Du Lịch: TPHCM là “tiền đồn” kinh tế của đất nước trong thời hội nhập

(VOH) - Sau 39 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh trở thành trung tâm kinh tế của cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số trong một thời gian dài. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, còn rất nhiều thách thức mà thành phố cần phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua.
TS. Trần Du Lịch. Ảnh: VinaCorp

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phóng viên Đài đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, về những thành tựu mà thành phố đạt được sau chặng đường 39 năm.

* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu mà thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong suốt chặng đường 39 năm qua, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?

- TS. Trần Du Lịch: Sau 39 năm nhìn lại, tính từ khi thành phố giải phóng đến nay, so với đời người là một khoảng thời gian khá dài. Có thể nói thành phố cũng giống như đất nước, đã có những bước thăng trầm. Tuy nhiên, nếu tính từ năm 1986, từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới, nếu so với mặt bằng chung của cả nước thì thành phố đã có sự phát triển vượt bậc. Với bộ mặt thành phố hiện nay về quy mô kinh tế, về hạ tầng đô thị, về không gian đô thị, mở rộng đô thị và phát triển trên mọi mặt kinh tế- văn hóa- xã hội thì thành phố đã thực sự thay da đổi thịt. Đặc biệt là những công trình hạ tầng về chỉnh trang đô thị, chúng ta nếu nhìn đại lộ Đông Tây, hệ thống kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè được cải tạo, hàng loạt cầu vượt được xây dựng,… thì đây là những thành tích rất đáng tự hào của thành phố.

* Thành phố Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước và trong giai đoạn hiện nay, thành phố đã phát huy vai trò và tính chủ động sáng tạo của mình như thế nào?

- TS. Trần Du Lịch: Thành phố được xem như là nơi có truyền thống năng động sáng tạo, mà đặc biệt người dân thành phố rất năng động và sáng tạo. Ngay trong thời kỳ trước đổi mới, thành phố cũng đã có rất nhiều mô hình để phát triển. Trong quá trình gần 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới thì thành phố có đến 15 mô hình sáng tạo đóng góp vào hoàn thiện thể chế chung. Phải nói rằng đó là những đóng góp rất lớn từ thực tiễn, đặc biệt là đóng góp về thể chế kinh tế. Sự năng động trong hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn thì thành phố cũng có nhiều sáng tạo và tiếp tục có những sáng tạo, dĩ nhiên là trong khuôn khổ pháp luật chứ không thể làm khác được. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đặt ra là thành phố phải làm sao xây dựng bộ máy hành chính thực sự, cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, cho doanh nghiệp. Hiện nay, trong chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, thành phố cũng đang đóng góp vào cái chung đó để hình thành một thể chế kinh tế chung thể hiện chủ trương theo Đại hội XXI của Đảng là đột phá về thể chế kinh tế. Đó là những vấn đề mà chúng ta tiếp tục phải làm.

* Để phát huy vai trò của mình, đặc biệt là gắn với việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển thành phố đến năm 2020, thì những vấn đề cấp bách hiện nay mà thành phố cần giải quyết là gì, thưa ông?

- TS. Trần Du Lịch: Nếu nhìn lại yêu cầu để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại ngang tầm với các đô thị hiện đại của khu vực theo Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và gần đây là Nghị quyết 16 Bộ Chính trị đặt ra đối với thành phố Hồ Chí Minh thì phải nói rằng thành phố còn rất nhiều thách thức. Thách thức thứ nhất là chúng ta đang đứng trước sự bất cập giữa tăng trưởng kinh tế tăng trưởng dân cư, quy mô đô thị với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; bất cập giữa yêu cầu hội nhập kinh tế với cơ cấu kinh tế kém cạnh tranh; bất cập cả nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đi vào tăng trưởng theo chiều sâu; chúng ta cũng bất cập với mô hình quản lý đô thị với một quy mô đô thị lên đến gần 10 triệu dân (kể cả khách vãng lai). Tất cả những điều này, từ khi có Nghị quyết 20 của Bộ Chính Trị thì thành phố cũng đã nhận diện và đặt ra những chương trình đột phá, trước đây là 12 chương trình và bây giờ là 6 chương trình, nhưng những kết quả đạt được vẫn chưa đúng yêu cầu mà chúng ta mong muốn nên cần phấn đấu hơn nữa. Bên cạnh đó, chúng ta đang đứng trước một thách thức nữa đó là sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thành phố rất lớn trong tất cả các mặt. Hiện nay, chúng ta lại đang chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, điều này đặt ra cho thành phố như một “tiền đồn” kinh tế của đất nước trong thời hội nhập một thách thức rất lớn về cạnh tranh. Những vấn đề như vậy, đặt ra cho thành phố từ đây đến 2020 phải thực hiện.

*Xin cám ơn ông!