Vị thế nông sản Đồng bằng song Cửu Long

(VOH) - Những ngày này, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bừng lên sắc xuân rực rỡ và ấm áp. Hoa Tết làm lưu luyến bước chân người, năm mới mở ra nhiều triển vọng đi lên cho vùng đất này.

Chợ nổi Cái Răng chuyên buôn bán các loại trái cây, nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ảnh: NĐH)

ĐBSCL sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực; đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, thủy sản chiếm 60% và trái cây chiếm 50% tổng xuất khẩu cả nước, thu ngoại tệ hàng năm khoảng 3 tỉ USD. Đặc biệt, năm 2015, với kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 47% so với năm trước, thì sự đóng góp của nhà các vườn ĐBSCL là không nhỏ. Trong đó nhiều loại trái cây như nhãn, xoài, thanh long, bưởi da xanh, mang xuất xứ từ khu vực này được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, EU ngày càng nhiều, tạo vị thế mới cho trái cây Việt Nam.

TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật: “Đầu tiên phải ca ngợi nỗ lực của nông dân, kế tiếp là chúng ta cũng có lực lượng doanh nghiệp linh hoạt. Quan trọng hơn là giữ được chất lượng trái cây và nguồn hàng rải đều quanh năm. Điều này là nền tảng làm cho giá trị hàng hóa xuất khẩu giữ được giá cao”.

Thu hoạch lúa ở Đồng Tháp Mười. Ảnh: SGGP

Lúa gạo được xem là một mặt hàng nông sản chiến lược và thế mạnh của vùng ĐBSCL. Với tổng diện tích trồng lúa mỗi năm khoảng 4,3 triệu hecta, nơi đây sản xuất ra trên 25 triệu tấn lúa hàng hóa cung cấp thị trường gần 90% lượng gạo xuất khẩu của VN.

Khẳng định tính hiệu quả và cần thiết của mô hình cánh đồng lớn đối với lúa gạo VN nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng, PGS-TS Phạm Văn Dư: “Sản xuất theo cánh đồng lớn là một định hướng tất yếu và là một điều mà doanh nghiệp cần phải tham gia để mà thu mua đúng nông sản, đúng chất lượng. Chúng ta biết là hiện Đông Á, Nhật Bản, các nước châu Úc, châu Âu người ta đòi hỏi 200-300 chỉ tiêu, thì các chỉ tiêu đó không thể mua trôi nổi mà có được”.

Với lợi thế 750 km bờ biển, chiếm 23% chiều dài bờ biển của cả nước và có đến 7/13 tỉnh, thành tiếp giáp với biển, điều kiện này mở ra lợi thế lớn cho ngành thủy sản. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng nuôi trồng, đồng thời chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản thành phố Cần Thơ : “Đối với cá tra 95% là xuất khẩu thì người nuôi biết, nuôi theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm; nuôi theo tiêu chuẩn như Globalgap, ASC, hay là Vietgap của các thị trường yêu cầu”.

Cá tra và basa tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ảnh Vietnamnet)

Ngoài những mặt hàng nông sản chủ lực có thế mạnh thì ở nhiều tỉnh, thành trong vùng vẫn đầu tư cho từng loại cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Đây được xem là hướng đi phù hợp phát huy bản sắc vùng miền và khẳng định vị thế nông sản vùng ĐBSCL giàu tiềm năng phát triển. Đơn cử nhắc đến Bến Tre thì mọi người đều nghĩ đến dừa và đối với cây trồng này, những năm qua, tỉnh cũng xây dựng chiến lược nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ giúp cho người trồng dừa có thu nhập tốt.