Xây dựng và phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TPHCM - Bài 2: Liên kết để tạo sức bật cho nông dân

(VOH) - UBND TPHCM xác định phát triển nông nghiệp nói chung và sản xuất nông nghiệp đô thị nói riêng phải gắn liền với xây dựng Nông thôn mới. Trong bối cảnh như vậy, vai trò nông dân được đặt ở vị trí trung tâm, trở thành chủ thể hạt nhân của ngành nông nghiệp. Theo đó, bài toán liên kết sẽ là chất “keo dính” nhằm kết nối toàn bộ quá trình này thành một thể thống nhất và ổn định.

Theo quy luật khách quan, một khi lực lượng sản xuất ngày càng phát triển thì nhu cầu liên kết càng tăng cao, mối ràng buộc giữa các quan hệ sản xuất cũng trở nên chặt chẽ, tinh vi hơn. Ngành nông nghiệp TPHCM từ lâu đã nhận thức rõ ràng vấn đề này từ góc độ của câu hỏi: Phải làm sao để nông dân trở thành lực lượng sản xuất chủ lực của nền nông nghiệp đô thị tiên tiến, hiện đại và có thể hoàn toàn “làm chủ” nó?

Về các mô hình Cánh đồng mẫu lớn và Liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp thì nhiều người đã biết, vậy nhưng tại TPHCM thời gian qua, chính quyền và ngành chức năng đã chủ động xây dựng một cấu trúc bao quát hơn. Cụ thể, những “ngọn cờ đầu” như Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn và Hội Nông dân thành phố triển khai hàng loạt chương trình liên kết với các Sở ngành, đoàn thể khác nhằm hỗ trợ toàn diện cho bà con. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh vai trò của Hội Nông dân thành phố: "Tăng cường đoàn kết, tập hợp nông dân vào các tổ chức Hội thích hợp theo từng loại hình, sở thích, ngành nghề. Đặc biệt là phong trào Nông dân sản xuất giỏi, giảm hộ nghèo, làm giàu chính đáng. Phối hợp với các ngành mở rộng nội dung hoạt động phục vụ tốt hơn nữa phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn và tích cực huy động các nguồn vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất. Hưởng ứng các nội dung phát động của Thủ tướng Chính phủ: Cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới".

Trong tháng 4/2014, TPHCM hình thành được một khối liên kết hứa hẹn nhiều tiềm năng khi Hội Nông dân, Sở NN-PTNT và Sở Khoa học - Công nghệ cùng ký kết liên tịch nhằm giúp bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để tăng giá trị sản xuất, tăng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trước mắt trong giai đoạn 2014-2015, các đơn vị sẽ thực hiện chuyển giao và ứng dụng ít nhất 6 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: Sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng khí sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp. Ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ khẳng định: "Chúng tôi đã kết hợp với Khuyến nông, Phòng Kinh tế khảo sát các nhu cầu và mô hình có thể thực hiện được, đã làm một số nơi ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi và quận 12. Như vậy chúng tôi thấy rằng đây là cách rất hiệu quả vì chúng tôi có chuyên gia, có tư vấn, có mô hình và nếu như các hộ nông dân hoặc HTX có nhu cầu thì chúng tôi có thể khảo sát và hỗ trợ để triển khai các mô hình đó".

Theo Sở NN-PTNT, quy hoạch đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp TPHCM giảm còn khoảng 80.000 ha. Ông Lê Minh Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cho hay, để duy trì và phát triển nền nông nghiệp đô thị tiên tiến thì cần phải đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, cũng như tăng cường phối hợp thực hiện xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế hợp tác: "Thành phố đã tổ chức hội nghị kết nối sản xuất hàng nông sản trên địa bàn. Tại hội nghị này đã có 48 hợp đồng nguyên tắc giữa 11 doanh nghiệp, HTX, cơ sở tiêu thụ với 21 HTX, cơ sở sản xuất đạt Chứng nhận VietGap. Hoạt động này tiếp tục duy trì, phát triển thì sẽ có hiệu quả rất cao trong hỗ trợ bà con sản xuất, tiêu thụ".

Điểm khác biệt lớn giữa hệ thống chương trình liên kết giúp nông dân tại TPHCM so với các tỉnh. thành khác chính là việc lồng ghép nội dung xóa mù chữ và phổ cập giáo dục. Cần phải khẳng định lại rằng, một nền nông nghiệp đô thị tiên tiến, hiện đại đòi hỏi một thế hệ nông dân mới được trang bị đầy đủ trình độ, kiến thức phù hợp với yêu cầu phát triển. Đây chính là động lực cho quá trình nỗ lực âm thầm thời gian qua, khi các quận, huyện ngoại thành xóa mù chữ cho khoảng 2.200 học viên và tiếp tục nâng cao sau khi biết chữ gần 2.300 học viên là nông dân. Thành phố cũng đã vận động thành công hơn 10.000 con em nông dân ra học các lớp phổ cập Trung học cơ sở và phổ cập Trung học phổ thông.

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở Giáo dục - Đào tạo, 5 năm qua, Hội Nông dân Thành phố đã dạy nghề để chuyển nghề cho trên 46.000 lao động nông thôn, bằng hình thức dạy nghề tại chỗ theo mô hình “lấy nông dân dạy cho nông dân” cho gần 8.000 hội viên nông dân. Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, nhìn nhận: "Vấn đề xóa mù chữ, phổ cập, tuyên truyền về “Xã hội học tập” để cho mọi người, trong đó có nông dân hiểu ra hơn về xã hội học tập, học tập suốt đời. Và chúng ta phải huy động mọi lực lượng, không phải chỉ ngành Giáo dục và Hội Nông dân, mà lực lượng làm giáo dục đa dạng, vì vậy chúng ta phải huy động mọi lực lượng để cùng tham gia với chúng ta".


Hệ thống chuồng trại quy mô, hiện đại tại Xí nghiệp chăn nuôi heo Đồng Hiệp - TPHCM (Ảnh: SGĐT)

Hệ thống các chương trình liên kết nhằm hỗ trợ nông dân của TPHCM không những duy trì được sự ổn định mà còn kết hợp cả sự linh hoạt, chủ động. Cụ thể như khi dịch bệnh trên heo bùng phát trong năm 2013 và người chăn nuôi gặp khó, Chi cục Thú y và Hội Nông dân ngay lập tức phát động chương trình phối hợp vận động nuôi heo theo chuẩn VietGap. Hiệu quả đã được phát huy kịp thời. Ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cho hay: "

Trong hướng tới thì chúng tôi muốn đặt cầu nối để làm sao các nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân cùng nhau tạo đàn heo tốt đưa ra thị trường. Để thị trường chấp nhận và người tiêu dùng an tâm hơn trong quá trình tiêu thụ thịt heo".

Không khó để nhận thấy hệ thống các chương trình liên kết nhằm hỗ trợ nông dân, đã tạo thành một mạng lưới bao trùm hiệu quả lên quá trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TPHCM. Ở đó, bà con nông dân có thể dễ dàng tiếp cận các “mắt xích” hay “điểm giao thoa” của mạng lưới này để nhận những gói hỗ trợ toàn diện từ chính sách, vốn vay, an sinh xã hội, thị trường tiêu thụ, hướng dẫn khoa học kỹ thuật…

Ông Trương Văn Đa - Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Thành phố - một thành viên quan trọng khác của “mạng lưới liên kết” phân tích yếu tố thành công đến từ những chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể: "Làm thế nào trong 5 năm tới, chúng ta đưa nội dung liên kết vào thực chất, phải làm được một số việc cụ thể. Mà muốn làm được thì hàng năm phải có chương trình cụ thể hàng năm. Năm này làm được việc gì, đã quyết tâm làm thì phải làm cho bằng được. Năm sau lên một bước nữa, làm sao qua 5 năm chúng ta đạt được một kết quả tốt hơn".

Xây dựng nền nông nghiệp đô thị tiên tiến, hiện đại, năng suất cao và thích ứng hiệu quả với quá trình đô thị hóa là hướng đi tất yếu của nông nghiệp TPHCM. Thực tế cho thấy, những hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên phong phú cùng nền tảng hỗ trợ cho nông dân được bồi đắp khá vững chắc trong thời gian qua, chính là thuận lợi cần nắm bắt và phát huy. Mục tiêu hàng đầu của thành phố là không chỉ tạo ra một nền nông nghiệp đô thị phát triển bền vững mà còn phải làm sao để người nông dân đóng vai trò chủ thể, làm chủ hoàn toàn nền nông nghiệp tiên tiến.