Xuất khẩu sang Hàn Quốc: Nhiều nhóm mặt hàng sẽ có thuế suất bằng 0

(VOH) - Việt Nam và Hàn Quốc vừa chính thức ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên trong số 7 FTA Việt Nam đang đàm phán được chính thức ký kết.

 

Thị trường Hàn Quốc ưa chuộng sản phẩm tôm Việt Nam (Ảnh: baomoi)

Hàn Quốc sẽ cắt giảm 95,4% số dòng thuế cho Việt Nam. Nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện.

Lợi thế cho xuất khẩu

Hiện nay, nhiều mặt hàng Hàn Quốc chỉ mở cửa duy nhất với Việt Nam. Với mặt hàng tôm, trước giờ Hàn Quốc rất hạn chế mở hạn ngạch đối với các nước xuất khẩu tôm, đặc biệt là các nước ASEAN.

Với ASEAN, khi đàm phán dưới sức ép của 10 nước, Hàn Quốc vẫn chỉ mở 5.000 tấn/năm miễn thuế cho tất cả 10 nước. Trong khi đó, theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), hạn ngạch miễn thuế đối với mặt hàng tôm lên tới 10.000 tấn/năm, gấp đôi hạn ngạch của 10 nước ASEAN cộng lại. Hạn ngạch này sẽ tăng lên 15.000 tấn/năm kể từ năm thứ 6 sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Thủy sản cũng là mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang thị trường Hàn Quốc. Đây là lĩnh vực cam kết mới, bổ sung hơn so với hiệp định AKFTA (Hiệp định thương mại tự do Asean – Hàn Quốc) đối với lĩnh vực thủy sản.

 Ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho biết, thủy sản là chương Hàn Quốc cam kết cải thiện rất nhiều. Thuế suất cam kết cơ sở đang là 10%, 20% nhưng chỉ 3 năm là thuế về 0. Như vậy, một năm giảm khoảng 7% đến 8%. Đây là lợi thế của chúng ta khi xuất sang Hàn Quốc.

Hiện nhóm mặt hàng tỏi, ớt, gừng được bảo hộ cao với thuế suất 300% – 400% tại Hàn Quốc. Trong cam kết với Việt Nam, thuế suất nhóm hàng này 10 năm nữa sẽ về 0%. Đây được xem là một thành công trong đàm phán bởi các sản phẩm này là những nguyên liệu rất quan trọng để làm kim chi –thực phẩm không thể thiếu trên bàn ăn của người Hàn Quốc.

Áp lực phải đổi mới

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cắt giảm 89,2% số dòng thuế cho Hàn Quốc, chủ yếu là với các nhóm hàng công nghiệp. Việc cắt giảm thuế sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước.

Hơn thế, yêu cầu của xu hướng tự do hóa thương mại sẽ đòi hỏi các cơ quan bộ ngành và địa phương phối hợp điều hành, quản lý chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường. Đối với doanh nghiệp trong nước cũng chịu sức ép rất lớn, bắt buộc phải đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ để không bị đào thải.

Tới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ phối hợp cùng các Bộ ngành đưa ra bộ sách hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu nhất để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về chính sách và ưu đãi thuế, đầu tư của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, từ đó hoạch định kinh doanh hợp lý.

Bộ Tài chính cũng nhanh chóng có văn bản pháp lý hướng dẫn doanh nghiệp. Bà Đào Thu Hương, Trưởng phòng Hội nhập Kinh tế Quốc tế, Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính cho hay, lộ trình thực hiện Hiệp định sẽ theo từng bước, còn thông tư chính thức của Bộ Tài chính để áp dụng sẽ ban hành khoảng tháng 10, tháng 11/2015. Đây là văn bản pháp lý để doanh nghiệp xin form xuất sang Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 1/1/2016; khoảng 1 hoặc 2 tuần tới, văn bản này sẽ được đưa lên mạng.

Hàn Quốc hiện chỉ có 2 FTA song phương trong khối Asean là Singapore và Việt Nam. Nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Năm 2014, đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với 505 dự án cấp mới, 179 dự án tăng vốn, tổng số vốn đầu tư trên 7 tỷ USD, chiếm trên 36% tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam.

Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc được ký kết sẽ góp phần nâng quan hệ kinh tế, thương mại giữa 2 quốc gia lên tầm cao mới, đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp VN để phát huy lợi thế quan trọng này.