Xúc tiến đầu tư tại chỗ - Giải pháp thu hút FDI

(VOH) - Theo cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI ngày càng quan ngại hơn về môi trường đầu tư, nhất là lạm phát và triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Khoảng 20% doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho rằng đang có ý định di dời sản xuất sang nước châu Á khác; 18% cho rằng môi trường đầu tư không tốt, do các quy định hành chính, mất nhiều thời gian giao dịch… Kết quả này cho thấy, dù các doanh nghiệp FDI không cân nhắc việc di chuyển thì Việt Nam cũng cần phải cải thiện môi trường đầu tư nhiều hơn.

VN luôn cố gắng tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút vốn và các doanh nghiệp FDI. Ảnh: dddn

Trước tiên, Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn dịch vụ logistics, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải. Ngoài ra, thủ tục hải quan hành chính, hải quan điện tử trùng lắp tại nhiều đơn vị cũng gây mất thời gian cho doanh nghiệp. Ông Paik In Ki - Trưởng Ban hỗ trợ kinh doanh thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đưa ra nhận định: Luật Đầu tư, Luật Lao động, Luật Thuế tại Việt Nam thay đổi nhiều đã khiến nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc ngừng đầu tư mới hoặc phải thu hẹp sản xuất. Bà Nguyễn Hải Thảo, Công ty quốc tế MIT Việt Nam chia sẻ: "Luật Lao động 2012 có sửa là: Riêng với hợp đồng lao động của người nước ngoài quy định rằng ít nhất là 2 năm, sau đó có thể ký tiếp thêm 2 năm nữa, đây là sự giảm so với luật cũ, luật cũ là 3 năm, và cũng không có quy định là ký bao nhiêu lần. Như vậy, nếu không có sửa đổi gì thêm thì chúng ta thấy tối đa chỉ được 4 năm thôi. Nếu bị bó buộc bởi quy định 2+2 như thế này thì chúng tôi không thể nào có được đội ngũ giảng viên ổn định, có chất lượng cao nhất đào tạo cho sinh viên VN".

Nhìn một cách bao quát, đây cũng là hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế thế giới. Nhiều bộ luật của Việt Nam cũng đã và đang có những bước tiến gần với luật thế giới hơn. Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM cho biết: "Việc quản lý thuế của VN về việc tự khai tự nộp, rồi việc điều chỉnh bổ sung trong quá trình khai thuế của mình, và sau khi cơ quan thuế đi kiểm tra mà phát hiện có hành vi khai sai về thuế hoặc ẩn lậu về thuế, truy thu, phát thì luật quản lý thuế của mình cũng gần như tương đầu với luật quản lý thuế các nước khác, cũng đều có một cách xử lý tương đối giống nhau, tức là mình đã hội nhập theo cái chung về cái cơ bản của thuế quốc tế".

Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Phòng Thương mại Châu Âu - bà Nocola Connolly -  thì cho rằng: thời gian gần đây, nhiều quy định mới đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, quy định làm việc không quá 200 giờ/tuần, trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp có thể tăng nhưng không quá 300 giờ. Điều khoản này trong Luật Lao động đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phải thực hiện những đơn hàng gấp, những ngành nghề cần thời vụ. Theo bà Nocola, việc đào tạo công nhân có tay nghề cao rất tốn kém, vì thế việc làm thêm giờ có sự thỏa thuận của người lao động sẽ giúp tăng thu nhập cho họ và giúp doanh nghiệp không tốn phí đào tạo thêm lao động mới. Ngoài ra, việc tăng lương hằng năm cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong cân đối tài chính, không sử dụng được lao động giá rẻ. Giải thích thêm vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: "Chúng tôi cũng chia sẻ là nếu như tăng giá thì sẽ tăng chi phí đầu vào thì đầu ra của sản phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên, sau vụ Bangladet về cháy nhà máy thì thấy rằng nếu sử dụng lao động giá rẻ thì chủ lao động cũng sẽ có những phần phải cắt giảm khác, nó tạo ra cái không an toàn, khi sử dụng sản phẩm đó người ta cũng thấy không hài lòng. Nhà nước, doanh nghiệp, chủ đầu tư và người lao động cùng chia sẻ thì vấn đề mới chia sẻ được. Chứ không tăng lương mà nhìn xem cuộc sống người lao động ở khu công nghiệp, đi khảo sát thực tế thì mới thấy, nó cũng rất đáng thương".

Và giải pháp để tăng sự thu hút nhà đầu tư các nước vào Việt Nam được ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - khẳng định là: tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, thông qua việc giới thiệu các hoạt động thành công và ổn định của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đến với các nhà đầu tư khác tại quốc gia họ. Hơn thế, Cục Xúc tiến đầu tư nước ngoài sẽ cùng với tổ chức Jica (Nhật) xây dựng dự án so sánh môi trường thu hút đầu tư giữa Việt Nam với các nước như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar… để cải thiện chính sách nhằm đón đầu làn sóng đầu tư mới khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhìn nhận từ góc độ tiếp cận, giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp FDI, luật sư Lê Nết, công ty luật LNT nói: "Chúng tôi cũng rất mong rằng là chúng ta chuyển cách tiếp cận từ trọng hình thức sang trọng nội dung, và vấn đề thứ hai là chúng ta phải có một người lãnh đạo làm tổng chỉ huy và quyết định mọi vấn đề. Nhiều khi tôi có cảm giác là chúng ta quá dân chủ, ai cũng có quyền ra quyết định cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hay không đầu tư vào VN cũng như quyết định một số vấn đề để giải quyết vấn đề cho nhà đầu tư nước ngoài".

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận: một trong những trọng tâm mà Nhà nước Việt Nam đang hướng tới là cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm thu hút đầu tư mới và thu hút đầu tư tại chỗ. Nghĩa là làm sao để những doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy doanh nghiệp đang đầu tư làm ăn hiệu quả, từ đó họ dễ dàng quyết định đầu tư vào Việt Nam hơn. Cải thiện môi trường đầu tư không nằm ngoài việc ổn định, tạo sự an tâm, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. "Trong các buổi họp của UBND TP, chúng tôi cũng có đề xuất với các bộ ngành, với chính phủ là khi đưa ra bất kỳ một chính sách nào thì cũng không làm mất ổn định hoạt động đang có của DN nói chung và DN đầu tư nước ngoài nói riêng và đánh giá nếu nó ảnh hưởng xấu đến hoạt động thì không nên đưa ra, hoặc là chưa đánh giá, thấy có tác động tốt thì chưa nên đưa ra, bởi vì sự ổn định là rất quan trọng, đó cũng là quan điểm của chúng tôi".

Trong tương lai gần, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết cũng sẽ là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư các nước. Chính phủ Việt Nam cũng luôn cố gắng tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút vốn và các doanh nghiệp FDI chính là chủ thể trực tiếp cần tác động./.