Từ 10/10, tia cực tím đạt mức cực đại trong 3 ngày trên diện rộng

(VOH) - Từ ngày 10 đến 12/10, dự báo chỉ số tia cực tím (UV) sẽ đạt mức cực đại.

Riêng tại TPHCM và Cần Thơ, tia cực tím có nguy cơ gây hại rất cao trong ngày 10, 11/10.

Từ 10/10, tia cực tím đạt mức cực đại trong 3 ngày trên diện rộng
Ảnh minh họa: internet

Theo dự báo, chỉ số tia cực tím sẽ đạt mức cực đại trong các ngày 10, 11 và 12/10. Các thành phố ở phía Bắc đều có mức nguy cơ gây hại cao.

Tại miền Trung, thành phố Huế, Đà Nẵng vào ngày 11/10 có nguy cơ gây hại cao; thành phố Hội An vào ngày 10 và ngày 11/10 có nguy cơ gây hại cao.

Tại các địa phương từ Khánh Hòa đến Cà Mau, chỉ số tia cực tím được dự báo phổ biến có nguy cơ gây hại trung bình, riêng tại TPHCM, Nha Trang có nguy cơ gây hại rất cao trong ngày 10/10 và có nguy cơ gây hại cao trong ngày 11/10.

Chỉ số này ở thành phố Cần Thơ vào ngày 11/10 có nguy cơ gây hại rất cao.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chỉ số tia cực tím trong ngày 9/10 tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và tại Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) ở mức rất cao trong khoảng 12 giờ.

Các chuyên gia cảnh báo, khi bị tác động mạnh của tia cực tím thì con người có thể bị say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức do tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời hoặc do hoạt động thể chất kéo dài. Việc tiếp xúc quá lâu với tia cực tím sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da, gây ra ức chế hệ thống miễn dịch.

Tia cực tím hay còn gọi là tia UV có 3 loại: A, B, C. Tia UVA có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da, tia UVB gây say nắng, tổn thương làm đen da và tia UVC sẽ gây ung thư da nhưng đã có tầng Ozôn chặn lại. Thường thì chúng ta tiếp xúc với 90% tia UVA và 10% UVB

Tia UV thường xuất hiện mọi thời điểm kể cả sáng, chiều, tối, trời nắng hay mưa nhưng cường độ mạnh nhất là vào 10 giờ sáng đến 2, 3 giờ chiều. Do vậy biện pháp phòng tránh tia UV được bác sĩ khuyến cáo là nên kết hợp nhiều phương pháp tùy vào thói quen của từng người.

Có thể kể đến ở đây như tránh nắng bằng cách đội nón rộng vành, sử dụng dù, đeo mắt kính màu sậm, bịt kín khẩu trang tránh nắng. Lưu ý với khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, quá mỏng, không có tác dụng chống nắng.

Với ai có thói quen sử dụng kem chống nắng thì cũng cần đọc kỹ thông tin sử dụng.

Nên thoa trước 15 đến 20 phút trước khi đi ra ngoài nắng, kem chống nắng chỉ có tác dụng trong vòng từ 2 đến 3 tiếng, sau đó cần rửa mặt và thoa lại kem mới để có tác dụng bảo vệ tốt, nếu không càng dễ gây ra bắt nắng.