Cần Giờ: Trường mầm non còn khó khăn trong hoạt động

(VOH) - Cần Giờ "bối rối" không biết lấy kinh phí từ đâu để cân đối cho các khoản chi lương nhân viên bảo vệ và nhân viên phục vụ. Đó là phản ánh của UBND huyện Cần Giờ tại buổi giám sát của Ban Văn hoá- Xã hội, HĐND TP về tình hình hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn, vào ngày 7/10.

Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TP làm việc với huyện Cần Giờ về tình hình thực hiện Nghị quyết về hỗ trợ mầm non.

Mặc dù, theo quy định, ngân sách hỗ trợ mức 2 triệu đồng cho các vị trí này, nhưng trong năm 2015, kinh phí chi cho nhân viên bảo vệ và phục vụ cho các trường đã chiếm trên 4 tỷ đồng. Do đời sống người dân còn khó khăn, với gần 20% học sinh thuộc diện hộ nghèo, nên xã hội hoá giáo dục không thực hiện được, các trường không thể tự cân đối để bù đắp kinh phí.

Bà Đặng Thị Hoàng, Hiệu trưởng trường mầm non Cần Thạnh 2 nêu thực tế: "Ở Cần Giờ, công tác xã hội hoá ở các trường mầm non rất khó khăn. Ngay cả ở thị trấn Cần Thạnh, vẫn còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo nên việc cho con em đến trường, chăm lo cho con em được học bán trú ăn tại trường là phụ huynh đã rất cố gắng. Nên việc xã hội hoá, vận động họ cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của trường, của địa phương rất khó khăn".

Những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh Cần Giờ. Cụ thể tại xã đảo Thạnh An, học sinh được miễn 100% học phí, trẻ từ 3 đến 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa 120 ngàn đồng/trẻ/tháng, các em thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập 70 ngàn đồng/trẻ/tháng. Giáo viên công tác tại Cần Giờ được hỗ trợ thêm 950 ngàn đồng/ tháng. Kinh phí phân bổ cho giáo dục tính bình quân cho mỗi học sinh là 13 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân của các quận, huyện khác 30%.

Trường Mầm non Cần Thạnh 2, trường duy nhất chưa đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất tại Cần Giờ, thường xuyên bị ngập úng.

Về quy trình phân bổ ngân sách cho giáo dục, ông Dương Văn Thư, Trưởng Phòng GD&ĐT Cần Giờ cho biết: "Thứ nhất phải đảm bảo các khoản chi lương và các tính chất như lương cho đội ngũ đầy đủ. Phần còn lại, căn cứ theo quy mô, theo tình hình hoạt động xây dựng bộ tiêu chí phân bổ và phân hết cho các trường. Huyện không giữ lại, mà còn bổ sung hỗ trợ đầu tư sửa chữa trường lớp".

Tuy nhiên, do đặc thù, Cần Giờ có trên 100 khu dân cư nhỏ sống rải rác, nên các trường mầm non phải tổ chức nhiều điểm trường để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân. Chi phí nhân sự, hoạt động giáo dục, quản lý cũng tăng lên. Ngân sách chi cho giáo dục phải căng kéo, dàn trải. Vì vậy, cuối năm sau khi cân đối, nhiều trường, giáo viên không có thu nhập tăng thêm, có trường dư được 14 ngàn đồng/ giáo viên.

Về việc phải duy trì các điểm phân hiệu trường, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ thông tin: "Đây là đặc thù của Cần Giờ, từ đầu năm học đã khảo sát lấy ý kiến dân. Người dân nói nếu bỏ các điểm trường này sẽ phải cho con nghỉ học, đến khi nào vào lớp 1 thì mới đi học. Như vậy, không đảm bảo yêu cầu phổ cập trẻ 5 tuổi, cho nên vẫn phải cố gắng duy trì các điểm trường này".

Việc triển khai nghị quyết 01 hỗ trợ giáo dục mầm non đã tạo điều kiện cho huyện đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp. Tuy nhiên, Huyện mong muốn thực hiện được quy định chức danh nhân viên nuôi dưỡng để giải quyết phần nào những khó khăn kinh phí của các trường.