Cộng đồng trách nhiệm đón Tết xanh

(VOH) - Từ ngày 9/2 đến 16/2, (tức 28 đến mùng 5 Tết), công tác dọn dẹp vệ sinh trên địa bàn TPHCM sẽ được thực hiện suốt 24/24.

Chỉ riêng ngày Mùng 1 và Mùng 2 Tết là đơn vị vệ sinh được nghỉ, bước vào mùng 3 là tiếp tục triển khai 100% lực lượng công nhân thực hiện việc dọn dẹp thành phố. Cao điểm nhất là trước giờ giao thừa, ngành chức năng sẽ đảm bảo cho thành phố sạch đẹp.

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng người dân thành phố góp phần làm cho Tết thêm xanh.

cong-dong-trach-nhiem-don-tet-xanh-voh.com.vn-anh1
Công nhân vớt rác trên kênh Tàu Hủ. Ảnh: SGGP

Hiện nay lượng rác thải hàng ngày mà TPHCM phải xử lý là hơn 9.000 tấn. Vào cao điểm Tết thì lượng rác tăng lên rất nhiều, do người dân dọn dẹp nhà cửa, buôn bán tại các chợ thì lượng rác có thể lên đến 12.000 tấn.

Để giải quyết lượng rác tăng cao này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết: "Việc vừa quét dọn, vừa thu gom, vận chuyển… được Sở chỉ đạo hết sức cụ thể và UBND các quận, huyện đều có kế hoạch chi tiết. Chúng tôi rất mong rằng được sự cộng đồng trách nhiệm của người dân thành phố đặc biệt là các tiểu thương buôn bán để chăm lo tết cho người dân hết sức chu đáo, từ buôn bán đến dọn dẹp vệ sinh, để chúng ta đón Tết thật đầm ấm".

Ông Huỳnh Minh Nhựt – Giám đốc công ty Môi trường đô thị TPHCM cho biết, để đảm bảo cho người dân thành phố được đón tết xanh, sạch, đẹp; ngay từ trung tuần tháng 1, công ty Môi trường đô thị Thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác vệ sinh môi trường trong những ngày cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán: "Công ty Môi trường đô thị TPHCM cùng các công ty công ích sẽ dọn rác cho đến đêm 30 Tết, khi nào hết rác mới nghỉ. Trong những ngày nghỉ Tết, mùng 1, mùng 2 thì cũng có 30% lực lượng trực để quét các tuyến đường trung tâm, mùng 3 thì làm lại bình thường".

Việc tăng cường công tác vệ sinh phục vụ Tết Nguyên Đán cũng buộc công nhân vệ sinh phải lao động vất vả hơn. Toàn bộ lực lượng công nhân phải cam kết làm hết việc chứ không phải làm hết ca.

Khi là công nhân phải làm việc trong đêm giao thừa, khi mọi người vui xuân, hái lộc thì cô Trần Ngọc Linh vì lòng yêu nghề, công việc dọn dẹp đường phố sạch đẹp của cô lại trở thành một công việc mang nhiều ý nghĩa đẹp: "Làm tới ngày mùng 1 mới về, nói chung là yêu nghề lắm, làm thì cũng có lúc vui, cũng có lúc buồn nhưng vì yêu nghề, muốn góp phần làm cho thành phố thêm sạch đẹp nên cũng thấy vui nhiều. Nhất là những lúc giao thừa xong, người ta đi hái lộc, đi chơi giao thừa, còn mình thì lủi thủi ngoài đường, những lúc đó tủi thân lắm, mấy đứa con cũng nói không biết khi nào giao thừa mới có mẹ ở nhà đón giao thừa… nhưng mà thôi, đều vì công việc, vì yêu nghề".

Do đó, để chăm sóc và hỗ trợ sức khỏe cho công nhân vệ sinh tham gia phục vụ Tết Nguyên đán, công ty Môi trường đô thị thành phố, các công ty công ích đã có kế hoạch hỗ trợ thêm chi phí ăn uống, hỗ trợ thêm quà tết cho lực lượng công nhân, thể hiện sự động viên, chia sẻ. Mỗi hành động bỏ bảo vệ môi trường của người dân thành phố, chính là tấm lòng cảm ơn với những vất vả ấy.

Tết cổ truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi người dân, tất cả các ngành, các cấp từ công tác an ninh trật tự đến công tác vệ sinh môi trường phải được đảm bảo để người dân đón một cái tết trang hoàng. Chính vì vậy, khi được sự chung tay của cộng đồng, việc làm cho thành phố sạch đẹp hơn trong những ngày trước, trong và sau tết sẽ nhẹ nhàng và mang nhiều ý nghĩa hơn. Mọi người hãy thay đổi thói quen sử dụng đồ trang trí tái chế, không đốt nhiều vàng mã, mua sắm thực phẩm an toàn, trồng một cái cây đánh dấu một kỷ niệm, góp phần xanh hóa môi trường.

Bà Đào Ngọc Yến Phương, người dân quận 6, TPHCM cảm nhận: "Tết năm nay, theo quan sát, tôi thấy việc sử dụng túi nilong và rác thải nhựa được cải thiện rất nhiều, rõ nhất là học sinh ở trường, tiếp theo là ở kênh Lò Gốm, nơi đây đoàn phường, quận đoàn thấy rất thường xuyên vớt rác, cải tạo kênh ngày càng xanh – sạch – đẹp".

Tết đến, chúng ta đều hy vọng và cầu mong cho mình và người thân được những điều tốt lành. Màu của Tết trong tâm trí ta là màu đỏ của bao lì xì, của phước lộc.

Năm nay, chúng ta hãy truyền đi thông điệp về một mùa Tết xanh, Tết sạch, hạn chế đi lại để phòng chống dịch bệnh Covid-19,… để Tết cổ truyền thêm tươi đẹp, an lành, an toàn cho mọi người, mọi nhà.