Đô thị phải kết nối không gian mở gắn với việc kế thừa, bảo tồn văn hóa

(VOH) - Các công trình cần được nghiên cứu thiết kế hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, tham gia đóng góp vào chức năng và hiệu quả của không gian và hoạt động đô thị.

Sáng nay 2/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện dự thảo “Quy chế quản lý kiến trúc TPHCM” nhằm quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên phạm vi lập quy chế.

Hội nghị phản biện dự thảo “Quy chế quản lý kiến trúc TPHCM” 
Hội nghị phản biện dự thảo “Quy chế quản lý kiến trúc TPHCM” 

Theo dự thảo quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quản lý kiến trúc đô thị của TP cụ thể như: quản lý quy hoạch, kiến trúc theo đồ án thiết kế đô thị riêng; cấp phép xây dựng trong các khu vực đô thị, khu vực có địa hình đặc thù. Và công trình kiến trúc được xây dựng hiện đại, năng động kết hợp với việc gìn giữ, kế thừa các kiến trúc sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử của Thành phố qua các thời kỳ. Đồng thời, tạo lập cảnh quan khu trung tâm công cộng khang trang, đồng bộ, hiện đại, xanh và hài hòa với môi trường, cảnh quan đặc trưng của từng khu vực, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Khuyến khích kết nối không gian mở, hạn chế xây dựng hàng rào ngăn cách công trình, ranh đất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, khuyến khích quy hoạch và trồng cây xanh tán lớn, thảm cỏ, kết hợp tổ chức các quảng trường, vườn hoa, đài phun nước, tượng đài, phù điêu, tiểu cảnh nhỏ trong các khu vực trung tâm công cộng. Trồng và chăm sóc chu đáo cây xanh đường phố kết hợp cây xanh trên các quảng trường và không gian mở cho cộng đồng để tạo lập đặc trưng không gian sống xanh, bền vững của từng khu trung tâm.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng các công trình cần được nghiên cứu thiết kế với chất lượng cao về công năng, thẩm mỹ và kỹ thuật, khuyến khích tổ chức thi tuyển kiến trúc; Thiết kế công trình kiến trúc cần hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, tham gia đóng góp vào chức năng và hiệu quả của không gian và hoạt động đô thị… Theo Luật sư Trương Thị Hòa  - Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - Phó Chủ nhiệm Hội đồng dân chủ Pháp luật khẳng định: việc xây dựng  quy chế quản lý kiến trúc TP Hồ Chí Minh là bắt buộc phải có. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ phạm vi áp dụng. Đặc biệt là phải nhìn thấy Thành phố của chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu cho nên cũng cần bổ sung thêm định hướng này vào đề án:

“Quá trình rà soát thực hiện quan trọng lắm, cho nên cần xác định rõ trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc là phải rà soát, đánh giá việc thực hiện quy chế này theo định kỳ 5 năm hoặc có thể đột xuất khi UBND TP có yêu cầu thì Sở quy hoạch Kiến trúc phải có đánh giá sau 1 năm như thế nào. Quy định này càng rõ ràng sẽ càng bớt đi cái thủ tục hành chính, cho nên phải công khai, minh bạch để người dân được đơn giản hóa thủ tục hành chính, biết rõ và thực hiện cho tốt”, Luật sư Trương Thị Hòa nói.

Còn anh Lê Hồng Nhật - Chuyên viên Viện nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, về bản sắc văn hóa dân tộc là khó thực hiện vì nó liên quan đến vấn đề văn hóa và bảo tồn: “Tôi rất quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà ở riêng lẻ như thế nào, ô văn vươn ra, màu sắc của công trình, đặc biệt là cần có những công trình điểm nhấn cho thấy sự chuyển tiếp khi mình đi từ khu vực này qua khu vực khác thì cần làm rõ thêm”.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Phan Kiều Thanh Hương cho biết, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP được triển khai thực hiện năm 2014, qua thời gian thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập qua đó việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên địa bàn TPHCM.