“Dứt khoát từ chối dự án đầu tư ảnh hưởng môi trường”

(VOH) - Đó là quan điểm của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc sáng nay với Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM.

TPHCM có 105 dự án đang thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư trên 356.500 tỷ đồng. Trong đó, có 45 dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông với tổng mức đầu tư 225.522 tỷ đồng. 18 dự án thuộc chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị với tổng mức đầu tư 22.445 tỷ đồng.

Còn lại các chương trình giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án thuộc các quận, huyện…

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu kết nối cho được doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài

Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh nêu khó khăn, hiện việc phân cấp ủy quyền bị vướng lớn nhất là cơ quan chuyên môn. Ông Ngọc Anh đề nghị thành phố nên phân cấp ủy quyền mạnh cho các sở, ngành, quận, huyện để sắp tới 98 dự án và 15 dự án đang làm, được thuận lợi.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP (đứng) Sử Ngọc Anh nêu khó khăn

Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư nên khuyến khích xây dựng cơ chế liên ngành trong cấp phép đầu tư; xây dựng hệ thống mạng để việc liên kết được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Hoan cho rằng cần quan tâm đến hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại lớn vì đây tuy chỉ kinh doanh trên vài mét vuông nhưng nguồn vốn lớn và đạt hiệu quả.

Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tính toán thật kỹ, ngoài các chương trình đột phá còn các dự án khác, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm đề nghị, phải dự báo, ước lượng được khả năng, tổng vốn cần đầu tư là bao nhiêu, làm rõ thẩm quyền cấp phép và kiểm tra, có cơ chế hậu kiểm, chuyển dần hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao tạo điều kiện hỗ trợ những hộ này phát triển lên doanh nghiệp, tạo ra môi trường, điều kiện sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Sở cần có thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai gắn với thị trường, lĩnh vực và cung cấp thông tin để doanh nghiệp lựa chọn lĩnh vực đầu tư, khởi nghiệp, có chuyên gia định hướng khởi nghiệp.

Ông Trần Vinh Nhung – Phó GĐ Sở Công Thương nêu vấn đề, làm sao những phân tích đánh giá của Sở phải chính xác để thấy được rằng, trong điều kiện hiện nay, những giải pháp kinh tế của thành phố đưa ra phải hay, phù hợp. Xác định lại 4 ngành công nghiệp chủ lực như hiện nay, trong đó, tính toán đến yếu tố FDI; tập trung vào dự án bất động sản đang có, trong đó, lưu ý đến trung tâm thương mại, quy hoạch lại hệ thống logictics.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định, Sở Kế hoạch và Đầu tư là kênh tham mưu rất quan trọng sự phát triển của thành phố. Đây cũng là cơ quan tham mưu tầm nhìn chiến lược quy hoạch, kế hoạch 5 năm của thành phố bởi để quản lý hiệu quả kinh tế, trước hết phải quản lý tốt quy hoạch.

Vì vậy, ông Phong yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng và điều hành của Sở. Sở cần xác định rõ trách nhiệm để tham mưu, đề xuất giải pháp như để GDP tăng trưởng từ 8,4% đến 8,7% thì cần giải pháp thế nào.  

Về cơ cấu đầu tư, sau khi ngân sách bị cắt giảm (TP chỉ được giữ lại 18% thu ngân sách thành phố từ đây đến 2021), nhu cầu tăng trưởng ngày càng cao, trong khi nhiệm vụ đầu tư phát triển thành phố trở thành trung tâm thương mại đặt ra cho TP nhiều trọng trách lớn.

Vì vậy, Sở cần tính toán làm sao sử dụng ngân sách hợp lý, đa dạng hóa hình thức đầu tư đạt hiệu quả cao. Đầu tư ưu tiên cho 7 chương trình trọng điểm, còn lại dành vốn đối ứng cho ODA. Dùng “vốn mồi” bỏ ra 1 đồng ngân sách, hút 14 đồng vốn xã hội vào, làm sao bố trí vốn, cơ cấu đầu tư phải đảm bảo cho văn hóa xã hội.

Năm 2016, có 36.000 doanh nghiệp mới được thành lập, lộ trình 2017 đến 2021, thành phố phải đạt 50.000 doanh nghiệp mới thành lập. Vấn đề là làm thế nào, khai thác, đầu tư lĩnh vực nào của thành phố.

Phải kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài

Ông Phong trăn trở, hiện nay, thu nội địa thành phố được giao tăng 25% so với năm 2016, nếu không tạo điều kiện kích thích phát triển, sẽ không thúc đẩy được sản xuất. Phải có đề án triển khai cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quy mô nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh. Đây cũng là mối quan tâm tương đương chứ không chỉ là việc thành lập doanh nghiệp mới.

Đi đôi với việc mở rộng doanh nghiệp, phải tính đến việc tạo môi trường thu hút các tập đoàn đa quốc gia vào thành phố, gắn kết lâu dài với doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ, đồng thời, hình thành các tập đoàn tư nhân lớn mạnh, có đổi mới sáng tạo, công nghệ hiện đại, nâng cao vốn và con người làm nòng cốt cùng với doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao sức cạnh tranh. Đẩy mạnh liên kết vùng, trong đó, phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, đặc biệt chú trọng lĩnh vực dịch vụ, hạn chế các dự án có sử dụng lao động lớn.

Bên cạnh đó, Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố cần tham mưu cho thành phố giải quyết nhanh các thủ tục pháp lý tạo cơ chế thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh phát triển. Ông Phong cũng yêu cầu Sở hoàn thiện cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp FDI, TPHCM hiện có 85 quốc gia đến đầu tư, cần xác định lại FDI thu hút ở lĩnh vực nào của thành phố, bởi đối với thành phố, nhu cầu về nguồn lực này rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Tuy nhiên, đối với dự án đầu tư ảnh hưởng đến môi trường thì thành phố dứt khoát từ chối. Cần tính toán cơ cấu thu hút ở ngành nào, lĩnh vực nào. “

Quan trọng là phải kết nối được doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài”- ông Phong nhấn mạnh.