Khẳng định giá trị thời Hùng Vương trong xã hội hiện nay

(VOH) - “Hùng Vương - Hào khí nhân văn và thượng võ” là chủ đề của Hội thảo khoa học do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức, diễn ra sáng 15/4 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen.

Hơn 30 tham luận được các chuyên gia, nhà khoa học gửi tới hội thảo xoay quanh 3 nội dung chính: Thành tựu nghiên cứu về Hùng Vương; Hào khí nhân văn thượng võ, các giá trị lưu truyền và Văn hóa Hùng Vương và Tư liệu văn hóa dòng họ.

Khẳng định giá trị thời Hùng Vương trong xã hội hiện nay

Các đại biểu trao đổi quanh các tư liệu nghiên cứu về thời đại Vua Hùng bên lề hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hà Minh Hồng, trường Đại học KHXH&NV TPHCM cho rằng, từ những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ đã dày công nghiên cứu và phát hiện được hàng loạt di chỉ từ các nền văn hoa sơ sử, như Văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, văn hóa Đông Sơn. Những nền văn hóa khảo cổ này có niên đại kéo dài từ khoảng 4.000 năm đến 2.000 năm cách ngày nay và được xác định là nằm trong khung phát triển của thời đại Hùng Vương.

PGS.TS Hà Minh Hồng nói: "Nói về tổ tiên của chúng ta là những thời đại có thật. Điều đó được chứng minh cả về kinh tế, xã hội, tổ chức nhà nước. Xã hội chúng ta có một nền văn hóa độc đáo như thế nào đều là kết quả tồn tại từ nền Văn hóa Hùng Vương. Từ trống đồng Đông Sơn đến nay, chúng ta vẫn lưu giữ và sử dụng. Hàng ngàn năm qua, sự kết nối này vẫn rất hiện thực, bằng kinh tế thực, bằng xã hội thực và bằng nền văn hóa thực mà chúng ta đang sống trong hôm nay. Những giá trị được gìn giữ tới ngày hôm nay đều bắt nguồn từ thời đại Hùng Vương".

PGS.TS Mạc Đường, nguyên Viện trưởng Viện KHXH Việt Nam tại TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Viện lịch sử Dòng họ cho rằng, từ những giá trị khai quật được, các nhà nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu và nhận thấy, giá trị và hào khí nhân văn thượng võ cùng nhiều giá trị văn hóa khác của thời đại Hùng Vương vẫn tiếp tục được lưu truyền đến ngày nay bằng cách này hay cách khác, qua đó góp phần gắn kết cộng đồng, bảo vệ bờ cõi. Cũng với những giá trị mà ngày 2/4/2007, Quốc hội đã ra Quyết nghị công nhận Lễ hội Đền Hùng cũng là ngày Quốc Giỗ của toàn dân tộc.

PGS.TS Mạc Đường nhấn mạnh: "Tín ngưỡng tôn vinh Hùng Vương là một tư duy quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ tiên, nguồn gốc. Vào tháng 8/1954, sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ từ ATK Thái Nguyên về Đền Hùng. Bác ngồi ngay thềm gạch ở ngách cửa của Đền Giếng cùng với 200 chiến sĩ quân tiên phong. Bác dặn dò từng li, từng tí và Bác đã để lại 2 câu thơ mà đến nay chúng ta ai cũng thuộc: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Vậy lý do gì chúng ta, thế hệ sau không đi theo con đường đó, không chỉ tín ngưỡng, tôn vinh mà ý thức được trách nhiệm: ta là ai? Ta làm như thế nào? Ta sống ra làm sao cho xứng đáng?".