Điều đáng lo ngại là, tại đây, tình trạng lún vẫn đang diễn ra với tốc độ cao, khoảng 6,8cm/năm.
Đây là kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014-2017, được Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố.
Đường Hồ Học Lãm, Phường An Lạc, quận Bình Tân. Ảnh: internet
Việc đo đạc được triển khai thực tế tại 400 mốc ở TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả, có 306 mốc lún và 33 mốc không lún hoặc nâng so với năm 2005. Dù đến nay chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể của từng nguyên nhân, nhưng khai thác nước ngầm quá mức là một nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: "Đây là kết quả khoa học, cơ sở để ngành đưa vào công tác quản lý. Chẳng hạn như, ở vị trí lún thì việc cấp phép xây dựng dừng ở mức độ nào, cơ quan cấp phép sẽ tính; Ở độ lún nào thì không cho phép khai thác nước ngầm nhiều, kết hợp hệ thống thoát nước ra sao… Từng ngành sẽ cụ thể hóa việc sụt lún đó vào chính sách để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố".