Quận 5, Bình Thạnh: Chăm lo cho nhóm đối tượng người nghèo, người yếu thế

(VOH) - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị quận Bình Thạnh cần đặt ra mục tiêu phải hỗ trợ chăm lo trường hợp F0 nặng và tuyệt đối hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Chiều 1/8, Đoàn công tác của Thành phố do ông Nguyễn Thành Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh về triển khai thực hiện công tác phòng, dịch Covid-19 trên địa bàn quận.

Ông Đinh Khắc Huy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh cho biết, tính từ ngày 27/4 đến nay trên địa bàn quận có trên 3.600 ca F0, hiện có gần 1.550 ca đang được cách ly tại 15 khu cách ly trập trung trên địa bàn, ngoài ra quận cũng đang có 290 trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà. Còn về tiêm vắc-xin, quận có 20 điểm tiêm tại 20 phường và 2 điểm tại quận, đến nay đã tiêm trên 16.000 người, đạt hơn 86%, dự kiến tiêm vắc-xin toàn dân cho 20 phường với 16.000 người vào ngày 2/8.

"Khoảng mấy ngày trước đây thì tất cả các trường hợp nặng là báo lên 115 và chủ động việc chuyển qua các bệnh viện xung quanh, cũng như bệnh viện quận Bình Thạnh để tiếp cận và điều trị ban đầu. Quận đã chủ động xây dựng một khu thu dung điều trị, cho phép làm bệnh viện dã chiến tại địa bàn của quận với cơ số giường là 180 giường, trong trường hợp có phát sinh đột biến, thì cơ sở này nâng lên 300 giường. Quận cũng xây dựng quy trình và đã triển khai, chuẩn bị 22 xe 16 chỗ để chuyển người bệnh. Về nguyên tắc đối với tài xế thì chích vắc-xin đầy đủ và đảm bảo bảo vệ các anh em tài xế lái xe tránh bị phơi nhiễm", ông Huy thông tin thêm.

Quận Bình Thạnh: Đặt mục tiêu hỗ trợ chăm lo trường hợp F0 nặng, giảm thiểu tử vong 1
Test nhanh COVID-19 tại một khu dân cư quận Bình Thạnh. Ảnh: PN

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong đề nghị quận Bình Thạnh cần nắm chắc tình hình các trường hợp F0, xác định quy trình xử lý chặt chẽ các trường hợp F0 kịp thời; đặt ra mục tiêu phải hỗ trợ chăm lo trường hợp F0 nặng và tuyệt đối hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Hiện nay số ca F0 đều phát hiện tại các khu phong tỏa, khu cách ly, điều đó cho thấy, khu phong tỏa hiện nay quản lý chưa chặt chẽ, ngoài chặt, trong lõng, chính vì thế quận Bình Thạnh thực hiện nghiêm chỉ đạo về triển khai và thực hiện 11 nội dung về quản lý khu phong tỏa. Khi phong tỏa, sau khi quét xong F0, F1 thì phải tiến hành giải tỏa từng phần, có thể cách ly theo từng nhà, từng khu trong khu vực phong tỏa.

Ngoài ra ông Phong nhấn mạnh: "Những trường hợp khó khăn theo nghị quyết 09, rà lại, đặc biệt quan tâm đến những người lao động nghèo, mất việc, những người yếu thế và đặc biệt trong đợt tiêm này phải quan tâm đến họ. Phải quan tâm đến các khu phong toả. Hiện nay coi việc cung ứng lương thực thực phẩm, đặc biệt là các hộ nghèo, không để xảy ra tình trạng thiếu ăn thiếu mặc. Thành phố sẽ triển khai gói hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là hỗ trợ cho đội ngũ y bác sĩ".

Cùng ngày, ông Nguyễn Thành Phong đến làm việc tại Ủy ban nhân dân quận 5 về tình hình phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quận. Bà Trương Minh Kiều – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5 báo cáo, tổng số ca nhiễm trên địa bàn là hơn 2.000 ca, trong đó đưa đi điều trị tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viên thu dung trên 1.200 ca. Hiện quận đã vận động các đơn vị, y tế tư nhân, trường đại học, các đơn vị vận tải hỗ trợ 9 xe (gồm 7 xe cấp cứu và 2 xe vận tải) nhằm đảm bảo yêu cầu công tác vận chuyển bệnh trên địa bàn. Về tiêm vắc-xin, đến nay quận đã tổ chức tiêm được cho gần 39.500 người, đạt hơn 33% dân số của quận. 

"Về công tác tiêm vắc-xin thì hiện nay Quận 5 thực hiện 14 phường với 14 tổ tiêm Covid-19 cộng đồng, và cũng cố gắng huy động các bệnh viện trên địa bàn như bệnh viện 7A, bệnh viện Nguyễn Trãi và bệnh viện Hùng Vương để tiêm cho các cụ trên 65 tuổi, riêng quận cũng tổ chức thêm một kênh nữa để tiêm cho doanh nghiệp. Tới nay  quận có 15/19 khu phố không có ca nhiễm Covid-19 từ đầu đến giờ, và có 19/19 khu phố trong 10 ngày qua không có ca nhiễm. Về chấp hành của người dân trên địa bàn quận 5 thì đúng là từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng đường phố rất là vắng lặng, thực hiện đúng tình thần của Chỉ thị 16", bà Minh Kiều cho biết thêm.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh các địa phương cần phải quản lý được F0, trường hợp F0 chuyển nặng phải được chuyển đi chữa trị kịp thời để giảm thiểu tử vong. Chúng ta phải làm sao để khi người dân cần gọi lên đường dây nóng phải được tiếp nhận và xử lý nhanh, không để dân chờ đợi lâu trong giờ phút sinh tử. Đối với biện pháp phong tỏa, cần xác định chính xác khu vực để tránh phong tỏa hẹp có thể lọt F0 hay phong tỏa quá rộng làm ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời Quận 5 cũng phải chăm lo cho nhóm đối tượng người nghèo, người yếu thế.