Quận Bình Tân: Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại để nhân dân tham gia, hưởng ứng

(VOH) - Qua 5 năm thực hiện, quận đã tổ chức 1.078 hội nghị tiếp xúc, đối thoại định kỳ và đột xuất với 98.095 lượt người tham gia.

Sáng nay 4/7, Quận Ủy quận Bình Tân tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 935, Quyết định số 936, 994 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với nhân dân. 

Theo báo cáo, qua 5 năm thực hiện, quận đã tổ chức 1.078 hội nghị tiếp xúc, đối thoại định kỳ và đột xuất với 98.095 lượt người tham gia, trong đó cấp quận tổ chức 58 cuộc hơn 9.270 lượt người dự, cấp cơ sở 1.020 cuộc với 88.825 lượt người dự, có 6.416 ý kiến, trong đó liên quan đến lĩnh vực kinh tế có 4.679 ý kiến, văn hóa - xã hội 936 ý kiến, quốc phòng - an ninh 449 ý kiến, xây dựng hệ thống chính trị 160 ý kiến; các vấn đề khác 192 ý kiến.

Quận Bình Tân: Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại để nhân dân tham gia, hưởng ứng 1
Bí thư Quận ủy Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định số 935, Quyết định số 936, 994 của Ban Thường vụ Thành ủy

Sau các buổi tiếp xúc, đối thoại chậm nhất là 10 ngày làm việc, Thường trực Quận ủy, UBND quận đều chỉ đạo ban hành thông báo kết luận gửi đến người dân và các cơ quan, đơn vị chuyên môn xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân.

Về thực hiện Quy định số 2405 của Ban Thường vụ Thành ủy về trách nhiệm của Bí thư Thành ủy, Quận ủy, huyện ủy và Bí thư đảng ủy xã - phường, thị trấn trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường tiếp xúc, đối thoại để giải quyết những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân cũng như xem xét giải quyết dứt điểm, đảm bảo đúng quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, nhất là giải quyết có hiệu quả một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền quận.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, qua thực hiện các Nghị quyết đã thể hiện được vai trò của người đứng đầu cấp Ủy, chính quyền. Lắng nghe kịp thời những ý kiến, kiến nghị của nhân dân và công nhân lao động. Đối với Liên đoàn Lao động quận thời gian qua thông qua các hội nghị giao ban đã tổ chức tuyên truyền các quyết định, quy định của Thành ủy cho cán bộ công đoàn cơ sở. Từ đó nắm tình hình, tập hợp những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thông số điện thoại của thường trực LĐLĐ để đoàn viên, người lao động có thể trực tiếp trao đổi, kiến nghị. Đặc biệt, việc xây dựng tổ dư luận xã hội tại đơn vị. Thời gian qua đã nắm bắt khá kịp thời tình hình công nhân cũng như ý kiến, kiến nghị để báo cáo Quận ủy và LĐLĐ Thành phố để chỉ đạo giải quyết. “Hiện LĐLĐ quận có 54 tổ dư luận xã hội với 108 thành viên. Đảm bảo 100% các doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên có tổ dư luận xã hội. Hiện nay cũng xây dựng được ở 52 đơn vị với 1.205 cán bộ đoàn viên là cán bộ nòng cốt để tham gia nắm tình hình. LĐLĐ quận cũng xây dựng các Group Zalo, viber, giúp mình triển khai các văn bản nhanh hơn, tiếp nhận ý kiến nhanh hơn. Cũng thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở tại nơi làm việc, tổ chức hội nghị NLĐ để nắm tình hình và ý kiến công nhân, những vấn đề nào thuộc phạm vi DN, công đoàn phải giải quyết ngay. Những nội dung nào thuộc phạm vi trách nhiệm của Quận hay TP thì báo cáo quận để có giải pháp chỉ đạo”, ông Hải cho biết thêm.

Về phía Đoàn Thanh niên, theo anh Nguyễn Lê Trung Hiếu – Bí Thư quận Đoàn quận Bình Tân, quận đoàn đã triển khai nhiều hình thức để lấy ý kiến của đoàn viên, thanh niên, tổ chức nhiều diễn đàn như: “Diễn đàn nghe thanh niên nói”, “Nói thanh niên nghe”, tổ chức các hội nghị tiếp xúc giữa thanh niên với lãnh đạo quận, và thường xuyên đi cơ sở tiếp xúc với đoàn thanh niên các khu phố… qua đó lắng nghe ý kiến đóng góp của thanh niên cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, góp phần xây xựng quận Bình Tân ngày càng phát triển bền vững, nói về phương hướng trong thời gian tới, Bí Thư quận Đoàn Nguyễn Lê Trung Hiếu cho biết thêm: “Tiếp tục tổ chức các diễn đàn để phát huy rộng rãi ý tưởng của thanh niên từ đó hiện thực hóa ý tưởng đó thành những nội dung, những phong trào các hoạt động, công trình thanh niên cụ thể ở trên địa bàn quận nhằm chào mừng 20 năm thành lập quận cũng như khơi sức thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là điều thiết thực nhất bởi vì thanh niên có rất nhiều ý tưởng và Đoàn Thanh niên có nhiệm vụ khơi gợi những ý tưởng đó, biến những ý tưởng thành hiện thực với mục tiêu chung là xây dựng quận Bình Tân và TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Duyên – Chủ tịch Hội LHPN phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân cho biết, để nắm bắt tình hình công nhân thì ngoài việc thành lập nhóm zalo để tuyên truyền trực tiếp đến công nhân, người dân thì còn lập thêm group Nữ chủ nhà trọ. “Thông qua các chị nữ chủ nhà trọ để tuyên truyền những nội dung cần thiết cho công nhân nắm về an ninh trật tự, PCCC, các phong trào hoạt động của phụ nữ, các chính sách liên quan đến công nhân thì các cô tiếp nhận thông tin từ phường tuyên truyền đến cho công nhân những tình hình tại khu nhà trọ, khu lưu trú của công nhân có vấn đề gì công nhân cần quan tâm thông qua đó phản hồi lại để Hội Phụ nữ giải quyết kịp thời cho chị em ở địa bàn khu dân cư”, bà Duyên nói.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Quận ủy Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp cho biết, để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với Nhân dân, việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và việc lấy ý kiến Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp xúc, đối thoại, nhất là xử lý kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; lựa chọn hình thức, nội dung tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân phù hợp với tình hình thực tiễn cơ quan, đơn vị; tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại đảm bảo quy trình, chất lượng. Khi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, phải chuẩn bị phải chu đáo các nội dung mà người dân kiến nghị, quan tâm. Tránh xem nhẹ, hời hợt và không đem lại hiệu quả.

Về thực hiện Quy định 2405, Bí thư Quận ủy Huỳnh Khắc Điệp đề nghị người đứng đầu cấp ủy cần phải duy trì chế độ tiếp công dân thường xuyên, đảm bảo các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền đều được xem xét, giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài.