Sẽ tạo không khí ấm áp cho ngôi nhà văn học Thành phố

(VOH) - Sau hai ngày tiến hành (14-15/1), Đại hội Hội Nhà văn Thành phố cũng đã bầu nữ nhà văn Bích Ngân làm Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố khóa này.

Phóng viên VOH phỏng vấn nhà văn Bích Ngân - Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố khóa VIII nhiệm kỳ 2020 – 2025 về định hướng hoạt động Hội trong nhiệm kì mới.

Nhà văn Bích Ngân – Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố khóa VIII nhiệm kỳ 2020 – 2025: Sẽ tạo không khí ấm áp cho ngôi nhà văn học Thành phố 1
Nhà văn Bích Ngân – Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố khóa VIII nhiệm kỳ 2020 – 2025: Sẽ tạo không khí ấm áp cho ngôi nhà văn học Thành phố

 

*VOH: Chúc mừng nhà văn Bích Ngân đã được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII nhiệm kỳ 2020 – 2025. Là nhà văn nữ được bầu làm Chủ tịch Hội, tôi nghĩ bên cạnh niềm vui vì sự tin tưởng của hội viên còn có những áp lực, lo lắng của bà khi ở cương vị này?

Nhà văn Bích Ngân: Vừa lo lắng vừa áp lực. Lo lắng là lần đầu tiên tôi giữ cương vị này. Cương vị mà chưa một nữ nhà văn nào đảm trách hết. Điều này cũng hết sức nặng nề, nhiệm vụ nặng nề và áp lực cũng vì đó.

Tuy nhiên, với Ban chấp hành của nhiệm kì VIII này làm cho tôi có sự tự tin. Các anh, chị em trong Ban Chấp hành ngay phiên họp đầu tiên tôi thấy được là cùng ý chí, điểm nhìn, cùng quyết tâm để làm sao văn học của Thành phố Hồ Chí Minh – một thành phố lớn nhất nước, dần dần phát triển ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố văn minh – hiện đại – nghĩa tình mà thiếu tầm vóc thì cũng buồn. Văn học là nền cho các loại hình văn học nghệ thuật khác, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc. Chúng tôi cũng sẽ nghĩ và đổi mới cách làm. Có những cái làm tốt của nhiệm kỳ trước thì phát huy, còn những điều chưa được thì mình rút kinh nghiệm và bàn bạc làm sao "lối đi cho thoáng".

*VOH: Bà nói đến lối đi thoáng trong văn học. Vậy thì lối đi sắp tới trong văn học Thành phố, ở vai trò là hội nghề nghiệp sẽ có kế hoạch như thế nào cho lối đi đó?

Nhà văn Bích Ngân: Lối đi của văn chương nghệ thuật là lối đi hướng đến chân thiện mỹ. Những tác phẩm viết về con người, số phận con người.

Văn học cũng là hành trình khám phá nội tâm. Hành trình đó chuyện tài năng anh phải có, anh còn phải có vốn sống, kiến thức, khát vọng, còn gì đó đau đáu, cái gì đó tự thân lúc nào cũng thôi thúc mình.

Về hoạt động thì chỉ tạo điều kiện cho các nhà văn và phát hiện những tài năng hoặc tạo điều kiện về tinh thần, chủ yếu về tinh thần.

Thứ hai, khi tác phẩm ra đời thì góp phần quảng bá, góp phần tôn vinh mà lâu nay mình chưa làm được hoặc làm quá ít. Sự tôn vinh tác phẩm của nhà văn để cho bạn đọc thấy được, Nhân dân thấy được, Đảng Nhà nước thấy được chứ lâu nay mình âm thầm hoạt động, tác giả ngồi phía sau không ai biết.

*VOH: Có thể nói nhiệm kỳ trước xuất hiện những vấn đề ngoài văn chương, có những điều mà tự chúng ta lấy làm tiếc. Như vậy thì trong nhiệm kì mới này, theo bà đâu là vấn đề then chốt giúp cho đời sống văn học Thành phố phát triển xứng tầm?

Nhà văn Bích Ngân: Hoạt động văn chương là hoạt động trầm lắng đi vào chiều sâu. Công tác Hội là quan tâm đến hội viên, quan tâm hoạt động sáng tác. Đã quan tâm thì phải quan tâm bằng trái tim của mình. Cái tâm anh hướng về đồng nghiệp, hướng về khát vọng, hướng về hoàn cảnh của đồng nghiệp.

Công tác hội là người lùi lại phía sau để cho công việc tiến phía trước, bạn bè tiến phía trước. Làm sao để cho ngôi nhà ấm áp. Ngôi nhà ấm áp phải chia sẻ thậm chí những chuyến đi công tác, những chuyến đi thực tế, chia sẻ từ ý tưởng, chia sẻ từ khát vọng sáng tác, gây cảm hứng cho nhau.

Tạo điều kiện phát hiện những tài năng, khả năng văn chương, gắn kết anh em. Gắn kết quan trọng lắm và phát huy được hết khả năng, đặc biệt là đặt lợi ích chung lên trên.

*VOH: Mảng đề tài mà tôi thấy thời gian qua cũng được quan tâm của lãnh đạo Thành phố, Nhân dân là sáng tác về đề tài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vậy Hội Nhà văn chắc sẽ có những phương hướng cho mảng đề tài này?

Nhà văn Bích Ngân: Viết về đề tài Bác Hồ là cực kì khó đối với văn học. Đề tài học tập theo tấm gương Bác Hồ theo tôi nghĩ nghĩa rộng là không chỉ viết về Bác Hồ mà viết về những người âm thầm làm theo tấm gương trong sáng, đạo đức của Bác.

Chúng ta những người làm thật sự tốt, làm với cái tâm trong sáng, tâm huyết, có trách nhiệm với cuộc sống mà bằng hành động cụ thể, coi như đã là tấm gương học tập. Hội Nhà văn Thành phố có một số anh chị viết về đề tài này. Ví dụ như nhà văn Đoàn Minh Tuấn là theo suốt, đeo đuổi suốt và vài người nữa.

*VOH: Cảm ơn bà!