Sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự để đảm bảo quyền lợi của công dân

(VOH) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, chiều 5/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Đa số đại biểu đồng tình với quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng, và cho rằng quy định như vậy là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp. 

Kiểm sát viên tham gia tranh luận tại phiên tòa. Ảnh: vanphongluatsu

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến cho rằng: việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ.

Do vậy, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) cần thiết phải quy định, cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Cần làm rõ tranh tụng trong xét xử hay tranh tụng tại phiên tòa, hình thức tranh tụng, làm rõ vị trí của những người tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Đồng thời, quy định cụ thể, rõ ràng tranh tụng trong tất cả các giai đoạn để bảo đảm việc giải quyết vụ việc khách quan; đổi mới trình tự, thủ tục tại phiên tòa và quy định chặt chẽ các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đương sự, thủ tục cung cấp chứng cứ, chứng minh, thời hạn giao nộp, việc giao nộp chứng cứ.

Thảo luận về sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, các đại biểu tán thành với quan điểm Viện kiểm sát là Cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong tố tụng dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân không phải là cơ quan công tố mà chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp.