Tăng cường phòng ngừa ứng phó, kiểm tra, rà soát các công trình điện trong mùa mưa

(VOH) - Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị tổng kiểm tra, rà soát các công trình điện tại các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Những ngày vừa qua, TPHCM đã xuất hiện những cơn giông, lốc xoáy và mưa lớn, gây đổ ngã cây xanh… Trước tình hình này, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa và ứng phó kịp thời trước những ảnh hưởng của mưa bão, để hạn chế thấp nhất các sự cố do thiên tai gây ra, đồng thời đảm bảo việc cung ứng điện an toàn trên địa bàn. Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị tổng kiểm tra, rà soát các công trình điện tại các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Ngành Điện TPHCM tăng cường phòng ngừa ứng phó, kiểm tra, rà soát các công trình điện trong mùa mưa 1
Công nhân EVNHCMC đang thực hiện kiểm tra, bó gọn dây thông tin để đảm bảo an toàn điện

Theo đó, EVNHCMC đã quán triệt tất các đơn vị thực hiện có hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) trong việc chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan đối với công tác phòng chống thiên tai (mưa, bão, ngập lụt, triều cường…) trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện. Thường xuyên kiểm tra để phát hiện và sửa chữa những khu vực ngập úng, khu vực cấp điện quan trọng để kịp thời sửa chữa ngay những bất thường khi phát hiện. Kiểm tra, thay thế hoặc đề nghị các chủ đầu tư thực hiện thay thế ngay các tủ điện rỉ sét lâu năm, gây mất an toàn và có nguy cơ rò điện cao của các tủ điện phân phối, đặc biệt tại các trường học, các cơ sở nuôi dạy trẻ, các trường mầm non, khu vui chơi giải trí và các chung cư, nơi tập trung đông người trên địa bàn quản lý.

EVNHCMC cũng đã yêu cầu các đơn vị cập nhật khu vực ngập úng cục bộ của các nhà cao tầng có thiết bị điện, trạm điện riêng đặt tại tầng hầm (chung cư, cao tầng thương mại...) và lập các phương án phối hợp xử lý nhanh khi xảy ra ngập úng. Phối hợp với các Khu Quản lý Giao thông Đô thị, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, phòng quản lý đô thị quận/huyện; xử lý ngay các vị trí có nguy cơ (như cây xanh, bảng quảng cáo, lều, lán…) có khả năng ngã đổ, bay vào đường dây, trạm biến áp.

Tiếp tục thực hiện các công trình ngầm hóa trên địa bàn Thành phố để đảm bảo mỹ quan và an toàn lưới điện cho bà con nhân dân. Tính đến thời điểm hiện tại, EVNHCMC đã phối hợp với các đơn vị viễn thông hoàn thành hơn 245 dự án tại hơn 200 đoạn tuyến đường, với hơn 1.000km lưới điện trung thế và gần 1.800km lưới điện hạ thế được ngầm hóa. Theo đó, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn Thành phố tăng từ 25% vào năm 2011 lên 46% vào năm 2021, lưới điện hạ thế đạt 20%, riêng khu vực Trung tâm thành phố đạt tỷ lệ 99% lưới điện trung thế, hơn 80% lưới điện hạ thế. Giai đoạn 2021-2025, Tổng công ty đang tiếp tục triển khai ngầm hóa lưới điện theo kế hoạch số 1642/KH-UBND ngày 21/5/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố với chỉ tiêu ngầm hóa thực hiện là 500km lưới điện trung thế, 800km lưới điện hạ thế. Phấn đấu đến năm 2025, lưới điện trung thế trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ từ 50% đến 60%; trong đó các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa 80% ÷ 90%, riêng các Quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ ngầm hóa xấp xỉ 100%; các quận còn lại đạt tỷ lệ ngầm hóa 60-80%.

Ngoài ra, EVNHCMC cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm tra để củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện, đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu như các cột điện ở triền dốc, bờ sông, các đường dây mới...; chủ động gia cố, sửa chữa đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo an toàn các công trình điện do đơn vị quản lý; trường hợp phát hiện nguy hiểm cần phải tiến hành khẩn cấp việc di dời các công trình điện ra khỏi khu vực sạt lở, xử lý ngay các sự cố về điện do sạt lở gây ra.

Bên cạnh đó, các đơn vị khẩn trương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận – huyện kiểm tra đảm bảo an toàn hệ thống điện, không để xảy ra hiện tượng rò điện gây mất an toàn cho cộng đồng. Sau khi khắc phục, sửa chữa và đảm bảo chắc chắn an toàn của hệ thống điện thì phải khôi phục lại ngay việc cung cấp điện cho khu vực để nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất.

Cũng theo thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, thời kỳ thường xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh, rạch, bờ biển thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, đây là các tháng có mực nước chân triều rút thấp nhất trong năm. Chỉ tính riêng trong năm 2021, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 06 vụ sạt lở bờ sông tại Thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi và Cần Giờ làm 01 căn nhà bị sạt hoàn toàn, 02 căn nhà bị nứt và nghiêng, thiệt hại 67 mét bờ kè và 1.470m2 diện tích đất.

Để ngăn ngừa và phòng tránh tai nạn thương tâm về điện có thể xảy ra khi trời mưa lớn, ngập úng cục bộ khi triều cường hoặc giông lốc, gió lớn, cây cối ngã đổ… EVNHCMC khuyến cáo người dân nên ngắt nguồn điện (cúp cầu dao/CB) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn, ổ cắm điện và các thiết bị điện gia dụng.
Lúc trời mưa, bà con không đứng trú tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế (đồng hồ điện), thùng cầu dao…; Không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện băng qua và không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời.
Khi phát hiện có hiện tượng bất thường hoặc mất an toàn về điện, người dân cần gọi ngay đường dây nóng của Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVNHCMC 1900 545454, hoặc gọi 114 - Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ TP.HCM để được xử lý, khắc phục kịp thời.