Thiếu trang thiết bị, khó xử lý vi phạm giao thông

(VOH) - “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.

Đây là nội dung buổi làm việc của đoàn công tác của Đảng ủy Trung ương do Trung tướng Tô Thường - Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương – Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội chủ trì với Thành ủy và ban ngành, đoàn thể TPHCM về thực hiện Chỉ thị 18. 

Báo cáo với Đoàn công tác của Đảng ủy Trung ương, Thành ủy TP.HCM cho biết: Từ năm 2013 đến nay, địa bàn thành phố xảy ra gần 12.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy, làm hơn 1.900 người thiệt mạng, bị thương gần 11.000 người. Tình hình tai nạn giao thông qua các năm luôn được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Các cơ quan chức năng đã kiểm tra và lập biên bản xử lý trên 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông với số tiền xử phạt hơn 774 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.

Cảnh sát giao thông xử lý phương tiện vi phạm - Ảnh: CATPHCM.

Đã có nhiều nỗ lực

“Cái chung nhất là cố gắng rất lớn trong thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư. 5 nhiệm vụ giải pháp mà Chỉ thị 18 nêu ra có rất nhiều cố gắng, và trong từng nội dung giải pháp có sự nỗ lực hơn trước. Từ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đến việc phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, vấn đề nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước, triển khai đồng bộ giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông”. Phó bí thư thường trực thành ủy Võ Văn Thưởng nhận định.

Thực tế những năm qua, TPHCM ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, đẩy nhanh thi công dự án hạ tầng giao thông trọng điểm theo quy hoạch với hơn 142km đường làm mới, xây dựng 67 cầu đường bộ, sửa chữa 21 cây cầu, triển khai 32 công trình sử dụng vốn đảm bảo giao thông… góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

TP.HCM cũng xây dựng nhiều mô hình hay trong tuyên truyền, nâng cao ý thức về chấp hành luật giao thông đối với các giới, đặc biệt là thanh thiếu niên. Thành Đoàn tổ chức cho học sinh, sinh viên vi phạm giao thông đến tham quan khoa cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy để các em thấy được hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông. Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cũng có kênh phát thanh riêng về giao thông, thông tin về các đoạn đường kẹt xe. Đối với những lái xe lái liên tục 4 tiếng hoặc trên 10 giờ đều bị kiểm tra, nhắc nhở, việc vi phạm về tốc độ giao thông cũng giảm được 50%. Năm 2015, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã rút giấy phép kinh doanh của 3 đơn vị kinh doanh vận tải gây tai nạn nghiêm trọng.

Thiếu trang thiết bị

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Trà, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ TPHCM, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải, tỷ lệ đạt không được 50%. Nguyên nhân là thiếu các trang thiết bị về cân vận tải, camera ghi hình và bến bãi để thu giữ xe vi phạm.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải chỉ có 2 cái cân, Sở Cảnh sát có 1 cân không đủ để cân các phương tiện vận tải. Việc mời chủ phương tiện hợp tác gặp nhiều khó khăn trong khi Sở Giao thông lại không được phép cưỡng chế chủ phương tiện. Ngoài ra, còn có việc nhập các loại xe Trung Quốc kém chất lượng, ý thức người tham gia giao thông còn kém...

Ông Trà phân tích: “Sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính ra đời, lực lượng công vụ phải chứng minh hành vi vi phạm trong khi đó camera không có. Những lỗi lưu thông không đúng phần đường, vượt đèn đỏ dễ gây ra tai nạn giao nhưng thực tế, cảnh sát giao thông bảo người ta dừng khi vi phạm thì người ta nói mình không vi phạm, hoặc không đội nón bảo hiểm, cảnh sát giao thông gọi vào thì liền đội lên và nói tôi đâu có vi phạm… Luật đi trước mà người thi hành công vụ chưa được trang bị nên rất khó khăn ! ”.

Cần sự đồng thuận

Tại buổi làm việc, Trung tướng Tô Thường - Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương – Tổng cục trưởng đánh giá cao về những nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông của TPHCM tuy nhiên việc thực thi pháp luật mang tính răn đe còn hạn chế và rất cần vai trò của người đứng đầu để phổ biến pháp Luật trong nhân dân:

“Trong giáo dục phổ biến và trong tuyên truyền, tôi đề nghị có đồng thuận chung. Tạo được đồng thuận thì mới làm chuyển biến được việc này chứ không phải đơn giản. Chúng ta cần đề xuất để quản lý chặt chẽ số cấp bằng cũng như quản lý lái xe sau bằng. Đặc biệt là xe mô tô, hai bánh, xe chở khách và xe chở rơ móc, những đối tượng đó hiện nay chúng ta đang chập chờn trong nhận thức là phục vụ nhân dân. Nếu chúng ta không đồng thuận với nhau mà siết chặt, tôi nghĩ là rất khó khăn trong khắc phục”. Trung tướng Tô Thường đề nghị.