TPHCM ban hành Kế hoạch phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em

(VOH) - UBND TP ban hành Kế hoạch phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 – 2030.

Việc này nhằm kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em, bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Cụ thể, 100% các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em; phấn đấu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi  biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030; đảm bảo 100% các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật; 90% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030 và giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm  2030 so với năm 2020.

TPHCM ban hành Kế hoạch phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em 1
Trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia bơi, lội. Ảnh minh họa: PN

Tại Việt Nam, hằng năm đều có nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, thậm chí nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, hoặc do cứu bạn. Các vụ trẻ em đuối nước xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt khi trẻ em chuẩn bị nghỉ hè. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào mùa hè năm ngoái cho thấy, từ đầu tháng 5/2021 đến ngày 20/9/2021 đxảy ra 54 vụ, làm 89 trẻ em, học sinh tử vong.

Phần lớn vụ đuối nước là do các em rủ nhau đi bơi, đi tắm, đi chơi gần khu vực có nước và bị trượt chân, vào thời gian nghỉ học ở nhà và không có sự giám sát, quản lý của người lớn... Tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (chiếm 76,6%), tại gia đình (22,4%) và trong trường học (1%). Đuối nước xảy ra nhiều ở các vùng thôn quê, nơi có nhiều ao, hồ, sông suối, mương máng, nơi vắng người qua lại, hoặc ở bãi biển, khu du lịch.

Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em, học sinh là do môi trường sống thiếu an toàn, nhiều ao, hồ, sông, suối; thiên tai, lũ lụt, lũ cuốn, sạt lở, bão, giông...; đồng thời là do cha mẹ, người lớn chủ quan, lơ là trong việc theo dõi, giám sát, quản lý trong thời gian các em được nghỉ học, ở nhà, để các em tự do rủ nhau đi chơi, đi bơi. Đặc điểm tâm sinh lý của các em là ở độ tuổi hiếu động, chủ quan, thích thể hiện bản thân, trong khi còn thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia bơi, lội dẫn đến đuối nước.