TPHCM chi khoảng 80.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ

(VOH) - Sáng 17/11, Hội nghị quốc tế thường niên khu công nghệ cao TPHCM lần thứ 4 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano” đã diễn ra tại Khu công nghệ cao TPHCM. Tham dự có ông Phạm Đai Dương, Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP phát biểu tại hội nghị.

Ông Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao cho biết công nghệ nano là một trong những công nghệ tiên tiến, có phạm vi ứng dụng và tầm ảnh hưởng rộng lớn trong nhiều lĩnh vực như y học, điện tử, thục phẩm, vũ trụ...thậm chí là những robot siêu nhỏ di chuyển trong các mạch máu. Thời gian qua thành phố cũng đã đầu tư phát triển các sản phẩm từ công nghệ nano như pin mặt trời, dầu diesel sinh học, vi mạch bán dẫn, tế bào gốc, dược liệu… với kỳ vọng nội địa hóa công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ để trạo ra nững sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Hội nghị sẽ đem lại một góc nhìn tương đối toàn diện về xu hướng nghiên cứu, phát triển của công nghệ nano trên thế giới và cơ hội phát triển công nghệ nano tại Việt Nam và đặc biệt là việc thương mại hóa một số công nghệ đã hoàn thiện trong phòng thí nghiệm. 

Còn theo ông Nguyễn Thành Phong, trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng cao, thành phố tập trung giải quyết những vấn đề then chốt, bền vững, phấn đấu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đưa thành phố sớm trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực, từng bước xây dựng TP thành đô thị thông minh.

Mặc dù thành phố với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước nhưng số lượng công nghệ được chuyển giao, các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, các đăng ký về sáng chế vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy thành phố luôn đặt trọng tâm thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương về khoa học công nghệ, kết nối các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thành phố phát triển theo hướng bền vững.

“Chủ đề ứng dụng công nghệ và vật liệu nano là phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và cũng là bước khởi đầu của thành phố cũng như Việt Nam trên con đường tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4”, ông Nguyễn Thành Phong đánh giá.

Khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm công nghệ cao.  

Ông Phạm Đại Dương cho rằng, ở Việt Nam công nghệ nano đã tương đối phổ biến nhưng việc làm chủ công nghệ này trong ứng dụng sản xuất trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Hội nghị lần này là một cơ hội tốt để các nhà khoa học cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, tìm ra những cơ hội hợp tác nhằm phát triển công nghệ và vật liệu nano trong sản xuất, đồng thời các cơ quan quản lý có thể nắm bắt thực tiễn để xây dựng chính sách phù hợp về phát triển công nghệ và vật liệu nano.

“Lãnh đạo thành phố cũng đã xác định thành phố cần chi khoảng 80.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ. Như vậy lực kéo từ kinh tế đã có, chúng ta cần thêm lực đẩy từ các nhà làm chính sách cũng như sự năng động của cộng đồng các viện - trường nghiên cứu và khối doanh nghiệp”, ông Phạm Đại Dương chia sẻ.

Hội nghị quốc tế thường niên năm nay diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/11 với sự tham gia của 28 diễn giả trong đó có 11 diễn giả đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các doanh nghiệp, viện trường trong ngoài nước.