TPHCM đang điều trị 24 bệnh nhân Covid-19, thắt chặt biện phát kiểm soát dịch

(VOH) - Sáng nay (10/5), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Thông tin tình hình dịch bệnh tại TPHCM

Trong ngày 9/5 và sáng 10/5, TPHCM không ghi nhận trường hợp nhiễm mới. Tính đến nay, có 267 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM, trong đó, 243 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 90,1%.

Hiện TPHCM đang điều trị 24 bệnh nhân dương tính mới (22 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, 02 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố). Sức khỏe các bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng nặng.

Ngoài ra, tại Bệnh viện Dã chiến đang điều trị 02 bệnh nhân tái dương tính (BN2704, tái dương tính ngày 26/4/2021 và BN2458, tái dương tính ngày 6/5/2021).

Ủy viên Trung ương Đảng,  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp giao ban trực tuyến

Từ ngày 8/3/2021, Thành phố đã tiến hành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, đợt 1 (từ ngày 8/3/2021 đến ngày 19/4/2021): tiêm 9.155 mũi cho nhân viên y tế và nhân viên các khách sạn thực hiện cách ly tập trung; đợt 2 (từ ngày 19/4/2021 đến ngày 8/5/2021): tiêm 57,454 mũi, gồm 54.156 mũi cho nhân viên y tế, 3.298 mũi cho nhân viên các khách sạn thực hiện cách ly tập trung, nhân viên sân bay. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi chặt chẽ hiện tất cả đều ổn định sức khỏe.

Ngoài ra, ngành y tế cũng hỗ trợ lực lượng công an tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 1.000 cán bộ công an tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã đưa ra một số nguy cơ mà Thành phố có thể gặp phải. Đó là, Thành phố có nhiều khu cách ly tập trung (41 khu cách ly tại các khách sạn có thu phí, 350 khu cách ly của quân đội và các khu cách ly của 24 quận - huyện), tiềm ẩn yếu tố nguy cơ của cả trường hợp nhập cảnh hợp pháp và bất hợp pháp.

Bệnh viện Thành phố là bệnh viện tuyến cuối, nguồn nguy cơ lây nhiễm khi phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở các tỉnh thành.

Ngoài ra, lượng người đi/về Thành phố hàng ngày rất lớn. Có một số trường hợp đi về từ các địa phương có ca mắc Covid-19 sau dịp nghỉ Lễ 30/4 vừa qua.

Một trong những nguy cơ khác là từ các cửa ngõ sân bay và cảng biển của Thành phố. Mặc dù số lượng người nhập cảnh từ cảng biển không lớn, tuy nhiên lượng tàu thuyền tập kết đông, thuyền viên lưu trú lại trên cảng dài ngày.

Triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh xâm nhập Thành phố

Bên cạnh việc thực hiện chặt chẽ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh xâm nhập Thành phố như: khai báo y tế, xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên đối với hành khách tại sân bay, nhà ga xe lửa, bến xe liên tỉnh; giám sát, tầm soát nguy cơ lây nhiễm Covid-19, thực hiện biện pháp 5K…, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Thành phố cần tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ các nhóm nguy cơ là điều rất cần thiết.

Ông nhấn mạnh, phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, với tinh thần “chuyển từ phòng ngự sang tấn công, tấn công là chính”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đưa ra một số yêu cầu như sau:

  • Tái lập lại các chốt chặn kiểm soát dịch bệnh trên đường bộ để tiến hành khai báo y tế, đo thân nhiệt người dân vào TPHCM qua các cửa ngõ.
  • Mỗi quận – huyện, TP Thủ Đức duy trì ít nhất 01 khu cách ly tập trung ít nhất 20 giường, sẵn sàng mở rộng lên 50 -100 giường.
  • Các điểm cách ly có trả phí cần có hướng dẫn cách ly cụ thể, mỗi địa điểm chỉ nhận một đối tượng cách ly để thuận lợi trong theo dõi, giám sát
  • Các khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án để xử lý tình huống khi có 1 hoặc nhiều ca nhiễm. Nếu cơ sở nào không đảm bảo được phương án phòng, chống dịch hiệu quả thì tạm thời ngừng hoạt động.
  • Đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống yêu cầu phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tuân thủ nghiêm các quy định của Thành phố trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
  • Các lễ hội, hội nghị trong trường hợp cần tổ chức trực tiếp phải đảm bảo quy mô, giãn cách, các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Khuyến khích tổ chức hội nghị trực tuyến.
  • Sẵn sàng các phương án ứng phó trong trường hợp dịch bệnh lan rộng như: tăng cường năng lực xét nghiệm; mở rộng các khu cách ly tập trung để nâng tổng số toàn Thành phố lên 10.000 giường bệnh; sẵn sàng phương án điều trị cho 50 – 100 người bệnh theo kế hoạch của ngành Y tế và dự trù kế hoạch điều trị cho 100 – 200 người bệnh…