TPHCM đề nghị bổ sung thêm 4 công ty chuyên xử lý chất thải nguy hại

(VOH) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng khu cách ly ở TPHCM tăng, kéo theo lượng chất thải nguy hại, mang mầm bệnh lây nhiễm cũng tăng cao.

Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, xây dựng các kịch bản chủ động ứng phó, xử lý kịp thời, an toàn, không để tồn đọng rác thải nguy hại và rác thải liên quan đến dịch Covid-19.

kich-ban-xu-ly-luong-lon-rac-thai-y-te-phat-sinh-do-dich-benh-covid-19-voh.com.vn-anh1
Thu gom rác thải tải khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. (Ảnh: hcmcpv)

Theo Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM, lượng rác thải có liên quan đến dịch bệnh Covid–19 hiện nay trên địa bàn là gần 100 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, công suất xử lý chỉ vào khoảng 50 tấn/ngày. Nếu không xử lý kịp thời lượng rác này, có thể gây ảnh hưởng tới môi trường điều trị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Công ty Môi trường đô thị thành phố là đơn vị chủ lực thu gom, vận chuyển xử lý rác trên địa bàn thành phố. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng rác thải nguy hại, rác thải y tế tăng không ngừng, công ty đã đồng thời cùng vận hành liên tục ba lò đốt gồm: công trường Đông Thạnh công suất 21 tấn/ngày, lò đốt tại Bình Hưng Hòa công suất 7 tấn/ngày và chạy thử nghiệm một lò đốt công suất 14 tấn/ngày.

Dù nhiều khó khăn, áp lức, nhưng các công nhân vệ sinh cũng đã làm việc hết mình, quyết tâm góp phần cùng thành phố chống dịch Covid-19 thành công. Ông Nguyễn Thanh Bình, công nhân công ty Môi trường đô thị thành phố bày tỏ: "Anh em đã từng làm qua chất thải nguy hại, luôn làm theo đúng nội quy, quy trình. Khi có Covid-19, mình phải trang bị thêm những bộ đồ chống dịch, lúc đầu mặc thì hơi mệt mỏi, khó khăn, làm riết cũng quen. Nhưng giờ lượng rác càng ngày càng nhiều. Lúc đầu nhiều quá, anh em cũng cảm thấy hoang mang, đối phó không kịp thời, nên hơi vất vả, giờ thì buộc lòng phải tăng năng suất lên, làm cả ngày đêm. Ai cũng chấp nhận làm việc xử lý chất thải nguy hại này, đối với dịch bệnh thì cũng như là một phần trách nhiệm của mình".

Trước thực tế trên, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường thành phố thống kê, đánh giá, tham mưu giải pháp xử lý rác thải phát sinh tại các điểm phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến… đảm bảo kịp thời, an toàn nhất. Công ty Môi trường đô thị thành phố cũng được yêu cầu lên các giải pháp, kịch bản ứng phó khi lượng rác thải y tế gia tăng cao, cung cấp, cập nhật thường xuyên các địa điểm và khối lượng chất thải có liên quan dịch Covid-19 được thu gom và xử lý hằng ngày.

Về phía công ty cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống một cách chủ động nhất, đã ra mắt “Tổ kiểm tra, giám sát thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải” với phương châm “Nhanh chóng - Kịp thời - An toàn” trên tinh thần hết rác không hết giờ. Đồng thời, kêu gọi các đơn vị, tổ chức cùng chung tay hỗ trợ đơn vị thực hiện tốt công tác xử lý rác nguy hại, rác thải y tế, đảm bảo an toàn cho công nhân vệ sinh, bảo vệ môi trường.

"Trong tình hình hiện nay, công ty đã có kịch bản, có phương án, rác tăng bao nhiêu thì sẽ huy động lực lượng nhân sự thêm, tăng cường nhân lực, tất cả đều phải làm, thậm chí là sẽ sử dụng một số phương tiện chuyên dùng khác, để xử lý kịp thời khối lượng rác tăng đột biến; đề xuất các phương án xử lý phù hợp, hiệu quả mà vẫn đảm bảo đúng quy trình và chống lây lan dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài công ty môi trường, một số công ty cũng tham gia vào xử lý rác y tế, nên cũng đỡ một phần. Những phần nào công ty đã làm rồi thì giờ sẽ cố gắng, cố gắng hết mức, làm hết mình. Giờ nếu có đơn vị nào hỗ trợ cho quần áo bảo hộ chống dịch, khẩu trang thì rất mừng, vì 2 thứ đó là đang cần nhất", ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TPHCM chia sẻ.

Để xử lý tốt lượng lớn chất thải trên địa bàn thành phố hiện nay, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đã có văn bản khẩn gửi Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Môi trường để đề xuất chủ trương cho các đơn vị hoạt động xử lý chất thải có lò đốt chất thải tham gia hỗ trợ, tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19. Công ty Môi trường Việt Úc là một trong những đơn vị sẵn sàng tham gia hỗ trợ tiếp nhận và xử lý chất thải y tế để phòng chống dịch Covid-19. Qua khảo sát tại nhà máy, ngành chức năng đã đánh giá Công ty đảm bảo được các yêu cầu, công suất tiếp nhận xử lý chất thải y tế đạt khoảng 5-7 tấn/ngày.

Ông Dương Minh Châu, Phó giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc cho biết: "Do lượng bệnh nhân tăng nên phải cố gắng tăng cường anh em làm liên tục, mình sẽ cố gắng vận hành để đốt rác ở mức an toàn nhất. Từ quá trình thu gom, vận chuyển về nhà máy cũng phải an toàn, phải khử trùng từ lúc lấy, đến lúc lên xe, đi đường cho đến khi về nhà máy, đưa vào lò đốt cũng phải khử trùng, trang bị đồ bảo hộ cho công nhân và những người tham gia vào quá trình xử lý thật chặt chẽ. Bây giờ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu là phục vụ cộng đồng chứ không đưa việc kinh doanh gì vào, đây là việc chung, mình cố gắng được bao nhiêu thì cố gắng".

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thành phố phát sinh nhiều điểm có nhu cầu thu gom chất thải, khối lượng chất thải nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tăng cao; Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đã có phương án quản lý chất thải với các kịch bản: nhà máy xử lý chất thải y tế của thành phố quá tải và các tình huống khẩn cấp khác nếu có. Bên cạnh đó, Sở cũng đã đề xuất Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét chấp thuận cho TPHCM sử dụng các lò chất thải hiện hữu, để xử lý chất thải phát sinh trong các khu vực cách ly tập trung, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến; tăng cường các công ty đang vận hành thử nghiệm đốt chất thải công nghiệp - nguy hại có quy mô diện tích rộng, công trình xử lý chất thải tập trung tại khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố, cùng tham gia xử lý sau khi được đánh giá đủ tiêu chuẩn.

Các y bác sĩ là người trực tiếp chiến đấu ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 thì, những công nhân thu gom, xử lý rác tại các khu vực cách ly, bệnh viện có thể ví như những "chiến binh" lặng lẽ dọn dẹp vệ sinh nhằm cắt đứt nguồn lây bệnh, là những người tuyến cuối trong công tác phòng dịch, không để tồn đọng rác làm ô nhiễm môi trường và hạn chế lây lan mầm bệnh. Vì thế, mỗi cá nhân, đặc biệt là người dân tại các điểm cách ly, giãn cách cần thực hiện phân loại rác y tế riêng, rác sinh hoạt riêng để giảm bớt lượng rác nguy hại cần xử lý, giảm áp lực cho các đơn vị thu gom, xử lý rác, chung tay góp phần cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM: Thành phố chủ động xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để tăng cường năng lực, hiệu quả xử lý rác thải nguy hại, đặc biệt là rác thải y tế liên quan đến Covid-19, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM có văn bản, TPHCM đề nghị bổ sung thêm 4 công ty chuyên xử lý chất thải nguy hại, tham gia hỗ trợ thành phố tiếp nhận xử lý chất thải y tế phát sinh tại các điểm cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, 4 đơn vị được đề nghị bổ sung gồm: Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc, Công ty Sản xuất – Dịch vụ - Thương mại Môi trường xanh, Công ty Dịch vụ môi trường và kỹ thuật xăng dầu và Công ty Thương mại – Xử lý Môi trường Thành Lập. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo kịp thời việc xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại phát sinh do dịch bệnh Covid-19, bảo vệ môi trường thành phố. 4 công ty này sẽ chuẩn bị thiết bị lưu chứa, phương tiện vận chuyển, khu vực tiếp nhận và xử lý chất thải y tế phát sinh đảm bảo đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại, có chức năng xử lý chất thải y tế được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo công suất tối đa xử lý chất thải y tế trong ngày.

Xoay quanh vấn đề này, VOH có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM.

kich-ban-xu-ly-luong-lon-rac-thai-y-te-phat-sinh-do-dich-benh-covid-19-voh.com.vn-anh2
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM.

*VOH: Việc đề xuất chủ trương cho các đơn vị hoat động xử lý chẩt thải tham gia tăng cường xử lý chất thải trong bối cảnh hiện nay mang ý nghĩa như thế nào?

- Ông Nguyễn Toàn Thắng: Phải nói rằng, khi phát sinh dịch bệnh trên địa bàn thành phố, thành phố cũng đã chủ động đối với đơn vị vận chuyển, thu gom và xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại. Bởi vì hiện nay, số lượng chất thải y tế và chất thải nguy hại phát sinh trên 147 điểm cách ly, bệnh viện dã chiến, khu cách ly…đây là những chất thải cần phải được xử lý để đảm bảo môi trường và đặc biệt là giữ gìn sức khỏe cho người dân thành phố. Vì vậy, ngoài đơn vị chủ lực hiện nay, đó là công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị thành phố, thì thành phố cũng rà soát lại các đơn vị được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép trên địa bàn thành phố và có đầy đủ nguồn lực để xử lý. Thành phố cũng đã huy động các đơn vị này vào cùng với công ty Môi trường đô thị thành phố tham gia xử lý các chất thải nguy hại phát sinh.

*VOH: Để đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường, các đơn vị này cần phải đảm bảo những yêu cầu như thế nào?

- Ông Nguyễn Toàn Thắng: Đối với các đơn vị tham gia xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế thì, điều đầu tiên là phải được cơ quan chuyên ngành cấp phép, tất cả các đơn vị này đều phải có giấy phép của các cơ quan chuyên ngành. Đặc biệt, là phải được Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép đủ điều kiện tham gia xử lý các chất thải nguy hại phát sinh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phát sinh trên địa bàn thành phố. Vì vậy, quy trình hoạt động của các đơn vị xử lý chất thải chỉ được thực hiện khi được sự cho phép từ Bộ Tài nguyên Môi trường và nhất là phải đảm bảo đúng theo Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và Thông tư liên tịch số 58 giữa Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường. Chính vì vậy, khi các đơn vị này đảm bảo yêu cầu đặt ra, thì được xem xét đưa vào vận hành xử lý chất thải y tế.

*VOH: Sở Tài nguyên Môi trường thành phố sẽ giám sát việc thực hiện xử lý chất thải này như thế nào, đặc biệt là lượng rác thải y tế tăng cao trong thời gian gần đây?

- Ông Nguyễn Toàn Thắng: Phải nói rằng, việc phát sinh các chất thải y tế, chất thải nguy hại từ các điểm cách ly, các bệnh viên dã chiến, các khu phong tỏa thì, riêng Sở Tài nguyên Môi trường thành phố có hình thành các tổ công tác, thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát, từ quy trình thu gom đến quy trình vận chuyển, xử lý rác. Đơn vị chủ lực nhất hiện nay của Sở Tài nguyên Môi trường thành phố, để tham gia giám sát trực tiếp là Ban quản lý Khu Liên hợp xứ lý chất thải thành phố, có khoảng 100 nhân lực, đang điều đến tất cả các nơi phát sinh chất thải hiện nay, tham gia giám sát trực tiếp tại hiện trường. Ngoài ra, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố cũng đã hình thành các hệ thống thông minh để giám sát qua hình ảnh, ghi nhận tất cả các phản ánh về Ban giám đốc Sở, để trực tiếp kiểm tra và xử lý. Hiện nay, việc này đang vận hành rất tốt, từ việc tổ chức thu gom tại các khi cách ly đến việc vận chuyển trên đường đến tại các nhà máy xử lý. Riêng các nhà máy xử lý trong Khu liên hợp thì có Ban quản lý giám sát của Khu liên hợp, rồi các nhà mát ở các khu công nghiệp cũng có Ban giám sát, trực tiếp giám sát ở khâu xử lý. Công tác giám sát này được Sở Tài nguyên Môi trường thành phố thực hiện rất chặt chẽ.

Công tác thu gom và xử lý chất thải y tế đã được thực hiện rất lâu. Việc bổ sung các đơn vi tham gia thực hiện công tác này thì cũng được tính ở mức bằng với giá quy định mà Công ty Môi trường đô thị thành phố đang thực hiện. Với mục tiêu lớn nhất: xử lý tốt các loại chất thải y tế, chất thải nguy hại đúng quy định, bảo vệ môi trường, và Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố tham gia với chức năng quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng tăng giá làm ảnh hưởng đến các công việc khác của thành phố.

*VOH: Cảm ơn ông.