TPHCM thí điểm thay thế đèn LED và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công vụ

VOH - Đó là 2 dự án đầu tiên TPHCM thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, được nêu trong Nghị quyết 98.

Việc thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và triển khai hoạt động mua bán tín chỉ carbon trên địa bàn TPHCM sẽ thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, không chỉ giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu, mà còn giúp cộng đồng sống trong một môi trường sạch hơn.

Cơ hội thu hút đầu tư mua bán tín chỉ carbon sẽ mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; thúc đẩy dự án xanh, tạo ra việc làm mới. Việc mua bán tín chỉ này cũng giúp nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

TPHCM có thể trở thành trung tâm cho các hoạt động liên quan đến môi trường và phát triển bền vững, thu hút sự chú ý và hợp tác quốc tế.

Tại hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ: "Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính xây dựng đề án thí điểm cơ chế tài chính này với mục tiêu triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Thành phố thống nhất đề xuất lựa chọn hai dự án tiềm năng: thay thế đèn LED và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công vụ."

TPHCM cần hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm để triển khai hiệu quả thị trường tín chỉ này. Thông qua Nghị quyết 98, TPHCM không chỉ nỗ lực giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển bền vững.

Tin chi Carbon
Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh” - Ảnh: Lệ Loan

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho hay, các doanh nghiệp bất động sản rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Hiện nay, có khoảng 200 dự án và công trình xây dựng bất động sản đạt tiêu chuẩn xanh. Các doanh nghiệp rất chú trọng đến việc phát triển mảng xanh trong các dự án, tòa nhà, hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Lê Hoàng Châu nói: "Dự án điển hình của TPHCM đã hình thành hơn 30 năm qua. Đó chính là khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Khu đô thị này có mật độ xây dựng chỉ 25%, 75% diện tích còn lại dành cho giao thông, công viên cây xanh, mặt nước… đây được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam".

TPHCM có rất nhiều dự án mới: Tập đoàn Vingroup có dự án nhà ở tại thành phố Thủ Đức (quận 9 cũ) tiếp giáp sông Đồng Nai, mỗi khu đô thị quy mô hơn 300 ha với rất nhiều diện tích dành cho công viên, cây xanh, môi trường".

Theo nhận định của các chuyên gia, đây là cơ hội cho TPHCM thu được lợi nhuận từ việc bán tín chỉ caảbon nhưng cũng đối diện với một số thách thức.

Theo các chuyên gia, việc thiếu hành lang pháp lý chi tiết cho các hoạt động tính toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ cacbon sẽ cản trở việc thực hiện hiệu quả đề án này.

Thiếu một môi trường mua bán rộng rãi và hiệu quả, đặc biệt là kết nối thị trường quốc tế - nơi tín chỉ carbon có thể được bán với giá cao.

Hầu hết việc tính toán giá và bán tín chỉ carbon đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài, nhất là khi bán trên sàn giao dịch quốc tế thông qua hình thức đấu giá. Do đó, việc đánh giá và giao dịch tín chỉ có thể ảnh hưởng đến giá trị và sự chủ động của các dự án trong nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và Môi trường, hiện chuyển đổi xanh không dừng lại ở xu hướng, mà đang được Luật hóa, trở thành quy định bắt buộc.

Việt Nam hiện đối mặt với nhiều rào cản, như thiếu sự phối hợp và thống nhất giữa các ngành, các cấp, dẫn đến các chính sách và kế hoạch chồng chéo, không nhất quán, cản trở việc thực hiện, giám sát hiệu quả các hành động và mục tiêu tăng trưởng xanh.

Hệ thống tài chính xanh còn non trẻ, khiến các dự án xanh gặp khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính; việc thực thi các quy định về môi trường đôi khi còn lỏng lẻo, rườm rà, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ...

Tăng cường đầu tư công và tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh, như nhà máy điện mặt trời, trang trại, hệ thống quản lý chất thải và sáng kiến phủ xanh đô thị; xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, mạch lạc cho tăng trưởng xanh... Khi doanh nghiệp bắt buộc đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường phát triển liên quan đến phát thải carbon, giá tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện sẽ tăng thêm, TS Thọ nói.

Để tạo ra được một tiến trình carbon, Ngân hàng Thế giới đã đồng hành với Việt Nam từ năm 2015, đến nay mới có thể tạo ra những tín chỉ carbon để có thể giao dịch.