TPHCM tiếp tục thực hiện mục tiêu kép với nỗ lực rất lớn

(VOH) - Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề.

Từ tháng 6/2021, TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch này, thế nhưng nhờ 5 tháng đầu năm, kinh tế thành phố khởi sắc và cũng nhờ vào sự phát triển của khu vực thương mại dịch vụ đã giúp các chỉ số giữ vững, hỗ trợ cho sự tăng trưởng chung của thành phố trong 6 tháng đầu năm nay.

tphcm-tiep-tuc-thuc-hien-muc-tieu-kep-voi-no-luc-rat-lon-voh.com.vn-anh1
Sản xuất trứng gia cầm tại Công ty Vĩnh Thành Đạt, TPHCM. Ảnh: SGGP

TPHCM đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, liên tục Chỉ thị 15, 16 và Chỉ thị 10 được áp dụng nhằm kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Trong nỗ lực đó, mặc dù kinh tế tháng 6 của Thành phố bị tác động không ít, nhưng tính chung từ đầu năm đến cuối tháng 6, tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) tăng 5,46%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Đó là theo số liệu từ Cục Thống kê TPHCM vừa công bố.

Cùng với đó, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước gần 199.000 tỷ đồng, đạt gần 56% dự toán và tăng gần 21% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa gần 139.000 tỷ đồng, tăng 19%. Thu từ dầu thô là hơn 6.800 tỷ đồng, tăng gần 7%; hoạt động xuất nhập khẩu thu 60.200 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ... Cụ thể, khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng đến gần 6%. Trong đó, 3 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng lớn gồm: thương nghiệp; vận tải kho bãi; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Bên cạnh đó, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm hơn 58% trong GRDP và hơn 91% trong khu vực dịch vụ. Mặc dù ngành công nghiệp đóng góp chỉ 0,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của kinh tế thành phố, nhưng 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng hơn 4%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, cho thấy ngành công nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục. Riêng ngành xây dựng tăng trưởng chỉ 0,98%, thấp hơn so với cùng kỳ hơn 1% bởi các dự án thi công bị gián đoạn, nguồn cung sản phẩm nhà ở hạn chế, giá vật liệu xây dựng tăng.

Song song đó, hoạt động thương mại, bán lẻ đạt tăng trưởng cao. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt gần 542.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Công thương Thành phố – Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận: “Tháng 6 khó khăn hơn rất nhiều do chúng ta thực hiện các biện pháp giãn cách phòng chống dịch. So với 5 tháng cùng kỳ năm 2020, doanh thu, hàng hóa dịch vụ chúng ta tăng gần 9%. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 9,55%. So với cùng kỳ thì con số này giảm tới 8,4%. 5 tháng, những chỉ số liên quan đến mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ có tín hiệu tích cực”.

Về chỉ số giá tiêu dùng CPI, theo đánh giá của Cục Thống kê Thành phố, tháng 6 năm nay, CPI của thành phố tăng 0,22% so với tháng trước. Trong đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế không biến động. Qua đó, bình quân 6 tháng năm 2021, CPI của thành phố tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân tích diễn biến giá một số nhóm ngành hàng so với tháng trước, ông Lê Minh Hùng – Trưởng phòng Tổng hợp Cục Thống kê Thành phố cho biết, về nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chỉ số giá của nhóm này tăng 0,38% so với tháng trước. Theo đó, lương thực tăng 0,46% do nhu cầu mua dự trữ của người dân tăng cao nhằm hạn chế việc di chuyển, phòng chống dịch COVID-19. Ngược lại, chỉ số giá nhóm bột mì và ngũ cốc khác giảm 0,57% so với tháng trước, chủ yếu do giá khoai lang giảm gần 1,6%. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,37% so với tháng trước; trong đó, một số mặt hàng có mức tăng so với tháng trước như: giá thịt gà tăng 0,57%, trứng các loại tăng 1,58%, các loại đậu và hạt tăng 1,19%, dầu thực vật tăng 0,45%; rau tươi, khô và chế biến tăng 6,36%. Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, một số mặt hàng của nhóm thực phẩm trong tháng có giảm giá so với tháng trước như: thịt heo giảm 1,92%, thịt bò giảm 0,75%, thịt gia cầm đông lạnh giảm 1,40%, tôm giảm 1,22%.

Cùng chiều hướng tăng, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,04% so tháng trước; trong đó, giá điện sinh hoạt tăng 0,34%, giá nước sinh hoạt giảm 0,78%, gas và các loại chất đốt tăng gần 3,7%. Ông Lê Minh Hùng phân thích thêm: “Khu vực dịch vụ chiếm 63,6% trong GRDP nhưng đạt mức tăng trưởng tích cực là 5,86. Nguyên do theo đánh giá các số liệu của Cục Thống kê Thành phố, Chính phủ đã có những ứng phó linh hoạt, tùy theo từng thời điểm. Tiếp theo là sự chủ động của doanh nghiệp khi đã quen dần với nhịp sống, trạng thái bình thường mới mà qua hai năm chúng ta phải đối phó với dịch bệnh. Dự báo nền kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào biến số khó lường của đại dịch Covid-19, và như vậy các ngành kinh tế hỗ trợ lại cho ngành y tế và những nơi tuyến đầu chúng ta vẫn phải chú ý tới hỗ trợ nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, đó là những nơi tạo nền sản xuất của cả nền kinh tế”.

6 tháng đầu năm, toàn thành phố có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 311.000 tỷ đồng. Tuy về số lượng chỉ tăng 3,8% nhưng về vốn đăng ký tăng đến hơn 39%. Tuy nhiên, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhìn chung giảm. 6 tháng thu hút được 262 dự án mới với tổng vốn đăng ký, đạt hơn 264 triệu đô la Mỹ. Tổng cộng vốn đăng ký cấp phép mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt hơn 1,4 tỷ đô la Mỹ, giảm gần 30% so với cùng kỳ.

Có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nhóm hàng hóa khác; nhóm hàng dệt may; nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nhóm hàng giày dép …

Trong tình hình như hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thành phố cho rằng: “Làm sao kiểm soát được dịch bệnh càng sớm càng tốt, muốn như vậy phải có sự hỗ trợ, cộng tác của người dân. Và trong môi trường dịch bệnh tồn tại, chúng ta chỉ có thể kiểm soát, do đó chúng ta phải hết sức thận trọng, hay nói cách khác là chúng ta tìm giải pháp để chúng ta thích nghi với cuộc sống và chúng ta tổ chức kinh doanh trong điều kiện an toàn”.

Trong nỗ lực rất lớn, TPHCM đang quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, công nhân, doanh nghiệp... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thành phố phấn đấu đến cuối năm nay, 70% người dân TPHCM được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Thành phố cũng đã xây dựng 4 kịch bản tăng trưởng cho cả năm 2021, cao nhất là 6,05% và thấp nhất là 3,24%.