Trung tâm Điều hành thông minh TP. Thủ Đức đi vào hoạt động

(VOH) - Ngày 23/10, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động, được kỳ vọng sẽ khởi đầu thuận lợi cho quá trình xây dựng một thành phố thông minh, sáng tạo.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng Thành phố Thủ Đức ra đời với sự kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo TPHCM, được chọn để phát triển thành “hạt nhân” sáng tạo, hình thành một cực tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. Từng bước hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TPHCM. Dù vậy, khi thành lập, Thành phố Thủ Đức có hiện trạng dữ liệu rời rạc, thiếu sự liên kết và thống nhất. Mong muốn của Thành phố Thủ Đức là xây dựng được hệ thống dữ liệu thống nhất, liên kết được với các ngành để có thể phân tích liên lĩnh vực một cách đa chiều; chuẩn bị dữ liệu dự báo xu hướng trong tương lai.  

Có gì tại Trung tâm Điều hành thông minh TP. Thủ Đức vừa chính thức khai trương? 1
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khai trương Trung tâm điều hành thông minh TP Thủ Đức

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Thành phố Thủ Đức được triển khai với nhiều chức năng trên mọi lĩnh vực điều hành quản lý, gồm: Hệ thống phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội; Hệ thống giám sát giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống tiếp nhận phản ánh của người dân; Hệ thống quản lý văn bản điện tử; Hệ thống giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng và giao thông. 

Cùng với đó là Hệ thống giám sát thông tin mạng xã hội; Dữ liệu ngành Giáo dục; Dữ liệu ngành Y tế; Hệ thống quản lý dữ liệu không gian địa lý “GIS”. Giai đoạn tiếp theo, Thành phố  Thủ Đức phối hợp với VNPT tiếp tục bổ sung các lĩnh vực mới, cần thiết, trọng tâm trên địa bàn. Trong đó, tập trung thu thập, tinh chỉnh và hoàn thiện dữ liệu thô, tích lũy và mở rộng dữ liệu theo thời gian để làm giàu kho dữ liệu. Tận dụng hiệu quả dữ liệu sẵn có, đưa vào công nghệ AI, phân tích big data, mô hình dự báo, chủ động, xây dựng các công cụ hỗ trợ ra quyết định. Đáp ứng kỳ vọng xây dựng thành công đô thị thông minh Thành phố Thủ Đức.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, IOC Thành phố Thủ Đức hỗ trợ chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên cơ sở phân tích dữ liệu qua ứng dụng GIS quản lý dịch bệnh Covid-19; phân tích không gian; quản lý các lớp dữ liệu; thống kê báo cáo… Các tính năng này giúp quản lý về số ca mắc, quản lý điểm phong tỏa, quản lý vùng cách ly, cung cấp các thông tin về địa điểm, địa chỉ lây nhiễm, sơ đồ lây nhiễm, thông tin cách ly, phong tỏa, điều trị, xét nghiệm.

Theo đó thì đến nay đối chiếu với 3 tiêu chí của Bộ Y tế thì đến nay Thành phố Thủ Đức đạt cấp độ dịch quy mô cấp thành phố là cấp độ 1 (nguy cơ thấp). Đối với các phường thì có 30 phường cấp độ 1 và 4 phường cấp độ 2 là: An Phú, Phước Bình, Phước Long A và Phước Long B. Tuy nhiên do địa bàn rộng, dân cư đông, nhiều nhà trọ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các cụm cảng và giáp ranh các tỉnh nên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng yêu cầu các phường, các ngành, đơn vị phải tiếp tục tăng cường phòng chống dịch trong tình hình mới, không được chủ quan, lơ là. “Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng Thành phố Thủ Đức sẽ nỗ lực hết sức mình để quyết tâm giữ vững kết quả phòng chống dịch. Đồng thời phát triển kinh tế xã hội Thành phố Thủ Đức trong thời gian  tới”, ông Tùng nhấn mạnh.

Đến nay, Thành phố Thủ Đức cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Hiện có 99,9% người dân Thành Thủ Đức đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 và 97,47% tiêm mũi 2. Trong những tháng qua, công tác chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo chu đáo. Ngoài các gói hỗ trợ đợt 1, 2 và 3 của TPHCM và theo Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Thủ Đức cũng chủ động chăm lo cho người dân với nhiều chương trình an sinh khác. Bước sang trại thái bình thường mới, Phó Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Phước Hưng cho biết vẫn tiếp tục tổ chức chăm lo cho người dân khó khăn, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phục hồi phát triển kinh tế và tuyên truyền để người dân thích ứng với điều kiện bình thường mới.“Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Quyết tâm kiểm soát dịch không để lây lan, đảm đảm phát triển kinh tế xã hội”, ông Hưng nói.

Thời gian qua Thành phố Thủ Đức triển khai chương trình “Thủ Đức nghĩa tình – Vì dân phục vụ” đã huy động được các nguồn lực xã hội trong doanh nghiệp và nhân dân theo phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”. Tính đến nay, Thành phố Thủ Đức đã chi hơn 193 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho công tác phòng, chống dịch. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức những kết quả phòng chống dịch thời gian qua của Thành phố Thủ Đức được lãnh đạo Thành phố ghi nhận với nhiều cách làm đổi mới sáng tạo, đồng thời cần phải tập trung 1 số việc cho thời gian tới. Ông Đức đề nghị: “Thành phố Thủ Đức cần tập trung các giải pháp phục hồi kinh tế. Phải sớm kết nối doanh nghiệp, người lao động để phục hồi sản xuất trên tinh thần an toàn chống dịch. Để thích ứng với tình hình mới có nhiều giải pháp trong đó có giải pháp công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công việc”.

Dịp này, Thành phố Thủ Đức cũng phát động đợt hoạt động thi đua cao điểm kỷ niệm 1 năm ngày thành lập. Nội dung thi đua gồm 6 nhóm nội dung gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của từng phòng, ban chức năng với trọng tâm tiếp tục thực hiện chủ đề năm của TPHCM “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, gắn với việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 của Quốc hội. Đồng thời triển khai thực hiện các nội dung công tác thành lập Thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nỗ lực phấn đấu “Xây dựng Thành phố Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; phát triển nhanh và bền vững”.