Việt Nam và các nước ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên với các mục tiêu phát triển

(VOH)-Tọa đàm quốc tế “TN và các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid 19 ” nhằm tạo diễn đàn học thuật, trao đổi và kết nối tri thức KH với các hoạt động thực tiễn.

Sáng 29/9, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Nguồn nhân lực Asean; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV); Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á (VAFA);Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Liên hiệp các tổ chưc  hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức buổi tọa đàm quốc tế với nội dung “Thanh niên và các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19”.

Việt Nam và các nước ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên với  các mục tiêu phát triển 1
Ông Agustaviano Sofjan - Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Agustaviano Sofjan - Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Với cương vị là Chủ tịch ASEAN vào năm 2023, một trong những mục tiêu đặt ra của Indonesia là tăng cường và thúc đẩy vai trò, trách nhiệm công dân ASEAN, đặc biệt là các công dân trẻ, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Indonesia cũng sẽ cam kết triển khai và thực hiện tốt 17 mục tiêu đã đề ra.”

Chia sẻ với các đại biểu, PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch VAFA cho biết “Đây là cơ hội tốt đối với sinh viên Việt Nam giao lưu với các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững, nghiên cứu khoa học về công tác xã hội và hội nhập thanh niên khu vực. Sau buổi toạ đàm này, các em không chỉ hiểu thêm về yếu tố cần và đủ để chuyển mình ra thế giới, mà còn góp phần vào tiến trình phát triển chung của khu vực trước cuộc khủng hoảng kinh tế và khí hậu đang có chiều hướng phức tạp hơn”.

Việt Nam và các nước ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên với  các mục tiêu phát triển 2
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm quốc tế

Các đại biểu đã lắng nghe kết quả nghiên cứu liên ngành và tham vấn chính sách về thực trạng thanh niên miền Nam Việt Nam tham gia công tác xã hội trong và sau đại dịch, các rào cản mà người trẻ Việt Nam đang phải vượt qua để hội nhập nhiều hơn ra thế giới từ cánh cửa ASEAN. Có hơn 82% người trẻ ở miền Nam Việt Nam tự nguyện tham gia công tác xã hội trong và sau đại dịch nhưng hầu hết họ mới chỉ được đào tạo nhiều về lý thuyết và thiếu nhiều kỹ năng làm việc với các nhóm đối tượng yếu thế.

Các tham luận tại tọa đàm cũng gợi mở một số kinh nghiệm hay của các nước trong khu vực mà Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng trong việc nâng cao vai trò của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam và các nước ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên với  các mục tiêu phát triển 3
TS Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng trường USSH thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm quốc tế.

TS Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng trường USSH thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh đánh giá cao buổi tọa đàm, xem đây là diễn đàn học thuật, trao đổi kết quả nghiên cứu liên ngành, qua đó kết nối tri thức khoa học với các hoạt động thực tiễn cũng như thám vấn chính sách về thanh niên với công tác xã hội phục vụ cộng đồng găn với bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19. 

Việt Nam và các nước ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên với  các mục tiêu phát triển 4
Đại diện các bên ký kết “Thỏa thuận hợp tác giữa trường USSH thuộc ĐHQG-HCM với ActionAid và AFV

Tại buổi tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết “Thỏa thuận hợp tác giữa Trường USSH thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh với ActionAid và AFV”. Theo thỏa thuận hợp tác, các bên xác định là đối tác tin cậy trong các hoạt động đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực; các hoạt động nghiên cứu và tổ chức hội thảo về: Thanh niên và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ công có chất lượng và nhạy cảm giới.

Việt Nam và các nước ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên với  các mục tiêu phát triển 5
Lãnh đạo Trường USSH và lãnh đạo các tổ chức tặng hoa lưu niệm tại buổi tọa đàm quốc tế.

Để khuyến khích thanh thiếu niên chủ động, sáng tạo hơn nữa trong các phong trào, sáng kiến sinh viên về phát triển bền vững, các bên thống nhất thành lập Quỹ “Giải thưởng Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững” dành tặng các sáng kiến cá nhân hoặc tập thể sinh viên, thanh niên giải quyết các vấn đề như: Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là giải thưởng được tổ chức trên toàn quốc và bắt đầu tại Trường USSH thuộc ĐHQG TP  Chí Minh.

Sự kiện này cũng là bước đệm giúp dự án “Xây dựng năng lực lãnh đạo thế hệ trẻ Việt Nam trở thành Công dân toàn cầu” đến gần hơn với các bạn thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15 - 24 trên cả nước. Dự án do chương trình “Hướng tới châu Á” (Reach Out to Asia - ROTA) của Tổ chức Giáo dục trên tất cả (Education Above All - EAA), ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và AFV đồng tài trợ trong thời gian 2021 - 2024. Dự án nhằm hỗ trợ gần 14.000 thanh niên trên cả nước trở thành công dân toàn cầu, tham gia tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về biến đổi khí hậu và môi trường tại Việt Nam.

Chương trình này còn thực hiện Quỹ Hỗ trợ, đây là dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) được Bộ Nội Vụ cho phép thành lập tháng 4/2016 và có nhiều chương trình hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em, người thiệt thòi chống chịu tốt hơn với thiên tai và biến đổi khí hậu. AFV hiện có các chương trình hỗ trợ ở hơn 10 tỉnh thành trong cả nước.

Trường USSH là thành viên của ĐHQG TP Hồ Chí Minh, được thành lập từ năm 1957. Tiền thân Trường USSH là Đại học Văn Khoa (thuộc Viện Đại học Sài Gòn), sau đó là Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Trường là trung tâm nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất miền Nam. Hiện nay, trường đang hợp tác nghiên cứu, hợp tác đào tạo với nhiều địa phương, đối tác trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu, tư vấn chính sách, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương, nhất là các tỉnh, thành phía Nam.

Còn tổ chức ActionAid là thành viên của Liên đoàn ActionAid Quốc tế, bắt đầu thực hiện các chương trình phát triển tại các khu vực nghèo nhất và xa xôi của Việt Nam kể từ năm 1989.  ActionAid Việt Nam là thành viên Mạng lưới Công bằng Thuế và Tài chính châu Á (TAFJA) và Mạng lưới Năng lượng tái tạo châu Á (AREN) có chương trình dài hạn tìm giải pháp cho công bằng khí hậu, bên cạnh các dự án cộng đồng từ cấp địa phương đến trung ương.

Năm 2022 là năm đánh dấu 30 năm ActionAid chính thức hoạt động tại Việt Nam, kiến tạo giá trị và giải pháp cho cộng đồng. Trong khoảng thời gian 30 năm, ActionAid đã hỗ trợ hơn 60 triệu lượt người trong cả nước, chủ yếu là phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em và các đối tác chủ động xây dựng sinh kế, giáo dục và tiếng nói của mình trong các chương trình, chính sách các cấp, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cộng đồng.