Trong nghiên cứu được công bố vào đầu tháng 3 trên tạp chí Scientific Reports của các nhà tâm lý học từ Đại học Texas, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi mọi người hoạt động thể chất ít nhất 60 phút trong ngày, họ sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm.
Ngoài ra, tập thể dục còn làm giảm lượng thời gian con người dành cho giai đoạn ngủ diễn ra giấc mơ, được gọi là chuyển động mắt nhanh hay giấc ngủ REM.
Điều này phù hợp với khuyến nghị mà các bác sĩ đã đưa ra để giảm bớt ác mộng. Theo các nhà khoa học về giấc ngủ của Stanford, “tập thể dục, yoga và thiền thường xuyên cũng có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ”, từ đó làm giảm những cơn ác mộng mãn tính.
Loại hoạt động thể chất này bao gồm từ các bài tập cường độ cao như chạy và đạp xe đến các bài tập cường độ thấp như đi bộ hoặc làm việc nhà. Bất kỳ hoạt động nào làm tăng nhịp tim của người tham gia đều được tính vào mục tiêu tập thể dục hàng ngày.
Các nhà khoa học đã yêu cầu 82 người tham gia nghiên cứu đeo Fitbits để nắm bắt thông tin chi tiết về chất lượng giấc ngủ và thời gian tập thể dục trong khoảng thời gian 6 tháng.
Sử dụng dữ liệu về nhịp tim và chuyển động của cơ thể, họ xác định thời điểm những người tham gia trải qua qua các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ mỗi đêm và lượng bài tập họ tập mỗi ngày.
Mỗi giai đoạn của giấc ngủ được đặc trưng bởi những thay đổi sinh lý về nhịp tim và sóng não. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhịp tim của người tham gia để xác định thời điểm họ bước vào các giai đoạn ngủ khác nhau.
Nói chung, nhịp tim chậm lại trong giai đoạn đầu của giấc ngủ, nhưng nhịp tim sẽ nhanh hơn trong thời gian ở trạng thái REM.
Mỗi đêm, cơ thể trải qua năm giai đoạn khác nhau của giấc ngủ, bắt đầu lúc nhẹ nhàng và ngày càng sâu hơn. Giai đoạn cuối cùng của giấc ngủ, REM, là khi giấc mơ xảy ra.
Có năm giai đoạn ngủ khác nhau, nhưng chúng cũng có thể được chia thành hai loại - giấc ngủ REM và giấc ngủ không REM. Những người tham gia tập thể dục có ít giấc ngủ REM hơn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, vào những ngày người tham gia nghiên cứu tập thể dục, họ dành ít thời gian hơn cho giấc ngủ REM nhưng dành nhiều thời gian hơn cho giai đoạn ngủ sâu diễn ra trước REM.
Giai đoạn ngủ sâu này là lúc cơ thể được nạp năng lượng nhiều nhất trong ngày. Đây là giai đoạn cơ thể sửa chữa và tái tạo các mô, xây dựng xương và cơ, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch.
Đây có thể là lý do tại sao những người tham gia cho biết, họ hài lòng hơn với chất lượng giấc ngủ của mình vào một đêm sau khi tập thể dục. Những người tham gia cho biết, họ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn, bớt căng thẳng và buồn bã hơn vào buổi sáng sau buổi tập thể dục.