Chờ...

Trực thăng Bell-505 của Mỹ từng gặp nạn 13 lần kể từ năm 2019, khiến 16 người thiệt mạng

(VOH) - Chiếc trực thăng gặp nạn tại khu vực biển giáp ranh Hải Phòng và Quảng Ninh vào ngày 5/4 là trực thăng Bell 505 của Mỹ.

Theo dữ liệu của Aviation Safety Network thuộc Flight Safety Foundation (Mỹ), dòng máy bay trực thăng Bell 505 đã gặp 13 vụ tai nạn trong 4 năm từ năm 2019, bao gồm cả sự cố tại Hạ Long (Việt Nam) ngày 5/4.

Bell 505 đã gặp sự cố tại 3 quốc gia châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam); 3 vụ xảy ra ở châu Âu (2 vụ ở Thụy Sỹ và 1 vụ ở Georgia); 3 vụ ở Mỹ; 2 vụ ở Nam Phi; 1 vụ ở Kenya và 1 vụ ở Australia. Trong đó có 5 vụ tai nạn gây thương vong với tổng số 16 người thiệt mạng.

Theo thông tin từ nhà sản xuất Bell Textron, dòng máy bay này được trang bị công nghệ và động cơ tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa khi sử dụng.

Tuy nhiên, Bell 505 vẫn gặp nhiều sự cố. Nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn của Bell 505 nói riêng và các dòng máy bay trực thăng nói chung có sự khác biệt, ảnh hưởng bởi tác động từ nhiều phía.

bell 505
Máy bay trực thăng chở khách tham quan Vịnh Hạ Long

Trực thăng Bell 505, tên đầy đủ là Bell 505 Jet Ranger X (JRX) là loại máy bay trực thăng hạng nhẹ của Mỹ/Canada do Bell Helicopter phát triển và sản xuất, ra mắt lần đầu tại Triển lãm hàng không Paris 2013.

Mẫu trực thăng này có thể sử dụng cho nhiều mục đích từ thực thi pháp luật, đào tạo bay quân sự và bay dân dụng.

Bell 505 được điều khiển bởi một phi công và có thể chở tối đa bốn hành khách. Mẫu trực thăng này dài gần 13m, cao 3,25m, nặng 989kg. Tốc độ tối đa của Bell 0505 là 125 hải lý/giờ, tương đương 232km/h.

Chuyến bay đầu tiên của Bell 505 được thực hiện vào tháng 11/2014, đạt vận tốc 60 hải lý/giờ.

Một số quốc gia đang sử dụng Bell-505 là Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Bahrain, Việt Nam… Theo Business Jet Traveler, giá mua mới của trực thăng Bell 505 là khoảng 1,2 triệu đô la Mỹ (khoảng 28 tỷ đồng).

Hiện nay, có khoảng 400 chiếc Bell 505 đang hoạt động trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam có 2 chiếc tại Hạ Long mang số hiệu VN-8650 và VN-8651, được chứng nhận an toàn bởi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (US FAA) và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EUASA).

Theo dữ liệu từ NTSB, tỷ lệ sự cố đối với máy bay nói chung là 7,28 sự cố trên 100.000 giờ bay. Đối với máy bay trực thăng, con số đó là 9,84 vụ trên 100.000 giờ bay. Điều đó có nghĩa là máy bay trực thăng có nguy cơ gặp sự cố cao hơn 35% các loại máy bay khác.

Số vụ tai nạn máy bay trực thăng tại Mỹ đã giảm trong những năm qua nhưng tỷ lệ thương tích nghiêm trọng và tử vong vẫn còn cao.