Từ SEA Games đến Olympic

(VOH) - 4 năm trước, từ sau Olympic Bắc Kinh 2008, thể thao Việt Nam (TTVN) đã đặt chỉ tiêu giành 25-30 suất dự Olympic London 2012. Đến nay, dù đã hạ chỉ tiêu xuống chỉ còn 15-20 suất, nhưng xem ra con số đó cũng là nhiệm vụ không dễ dàng, nếu không muốn nói là bất khả thi với các vận động viên VN trong năm nay, chưa kể đến mục tiêu giành huy chương.

Tính đến thời điểm này, khi chỉ còn 6 tháng nữa là Olympic 2012 mở màn, TTVN mới có 6 suất chính thức góp mặt tại London. Trong đó có 3 suất của thể dục dụng cụ (TDDC), 2 của Hà Thanh và 1 của Phạm Phước Hưng cùng với 2 suất taekwondo của Diệu Linh, Huỳnh Châu và một suất còn lại thuộc về võ sĩ judo Văn Ngọc Tú. Dù có những suất thuộc dạng vé vớt như của Văn Ngọc Tú hay Phạm Phước Hưng, nhưng đó cũng là một thành tích đáng mừng, nhất là ở môn thể thao cơ bản cực khó như TDDC. Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, người đã có hơn 40 năm thăng trầm cùng thể thao VN đánh giá:

Ngoài những suất tham dự Olympic kể trên, Trần Lê Quốc Toàn với thành tích hạng 4 Giải vô địch thế giới ở môn cử tạ cũng gần như cầm chắc 1 suất dự Olympic bằng chuẩn B. Tay vợt Nguyễn Tiến Minh đang đứng hạng 7 thế giới cũng xem như chắc chắn có vé chính thức bởi tiêu chuẩn là chỉ cần đứng trong top 50 thế giới. Nhưng như vậy, các VĐV VN mới chỉ có 8 suất.

Hoàng Quý Phước là VĐV Việt Nam đầu tiên giành quyền đến Olimpic London 2012. Ảnh: Lao động

Những niềm hy vọng tiếp theo được dồn vào Hoàng Quý Phước môn bơi lội, Trương Thanh Hằng, Dương Thị Việt Anh môn điền kinh, các VĐV bắn súng, rowing, đấu kiếm... Ông Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục trưởng tổng cục TDTT cho biết:

Với Hoàng Quý Phước, tuy đã giành chuẩn B Olympic, nhưng hành trình để kình ngư này có thể góp mặt tại London bằng vé chính thức còn xa bởi khoảng cách quá sâu với chuẩn A. Dương Thị Việt Anh, HCV nhảy cao nữ ở Sea Games 26, với thành tích cách chuẩn B 2cm, cũng được kỳ vọng lớn vào việc đạt chuẩn, thậm chí giới chuyên môn còn đánh giá cơ hội của Việt Anh cao hơn cả Trương Thanh Hằng. Nhưng thực tế còn phải hy vọng vào một sự đột phá trong thi đấu bởi khi tập luyện, Việt Anh chưa bao giờ qua được mức xà 1,92m. Hiện tại, Trương Thanh Hằng, Việt Anh và một số VĐV khác đang được tập trung đầu tư trọng điểm, nhưng hy vọng thì phải nghiêm túc nhìn nhận là không nhiều. Ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục TDTT nói:

Điều đáng nói là nhiều năm qua, ngành thể thao vẫn loay hoay với việc có càng nhiều VĐV dự Olympic càng tốt, và hầu như mọi kế hoạch đầu tư cũng chỉ để phục vụ mục tiêu này. Trong bối cảnh các quốc gia khác đều tập trung đầu tư mạnh mẽ cho các môn thể thao mũi nhọn có khả năng giành huy chương, dường như chúng ta luôn chậm chân hơn một bước. Không nói đâu xa, còn nhớ tại đấu trường Asiad 2010, những quốc gia luôn xếp sau VN tại Sea Games như Malaysia, Singapore, Philippin đều có nhiều huy chương vàng hơn chúng ta. Ở đấu trường Olympic, từ 4-5 năm trước mỗi kỳ Thế vận hội, nhiều quốc gia đã có kế hoạch tỷ mỷ, khoa học như thuê chuyên gia tư vấn cho các VĐV giải đấu nào nên tham dự, giải nào không, rồi chọn HLV giỏi phù hợp với từng giai đoạn tập luyện. Còn tại Việt Nam, đa số các VĐV sau khi giành suất tham dự chính thức mới được đầu tư, tập huấn quốc tế. Thời gian chuẩn bị ngắn như thế, lại thêm không có nhiều cơ hội tập huấn, cọ xát trong môi trường đỉnh cao nên khó đòi hỏi các VĐV có thể làm nên chuyện tại đấu trường danh giá nhất thế giới.

Hiện tại, các kế hoạch đã thực tế hơn, tuy nhiên, đường đến đấu trường Olympic vẫn cứ xa vời vợi, được tham dự đã là một thành công vượt bậc của TTVN, nói gì đến chuyện giành huy chương. Có thể, TTVN vẫn đạt tới đủ con số hơn 15 suất dự Olympic London bằng những vé mời, nhưng đó lại là một góc độ khác.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, người đã có hơn 40 năm thăng trầm cùng thể thao VN, nói đến hy vọng giành huy chương, hiện tại chỉ có tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh (hạng 7 thế giới), HCĐ thế giới Phan Thị Hà Thanh và VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn là có khả năng tranh chấp. Tuy nhiên, tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh đang sa sút phong độ, điển hình là thường để thua các tay vợt dưới cơ và bị loại ngay từ vòng đầu. Trong khi Hà Thanh nếu lọt vào vòng chung kết cũng đã xem như thành công. Lý do là các đối thủ tại Olympic có đẳng cấp cao hơn nhiều so với giải VĐTG 2011 mà Thanh tham dự. Đó là chưa kể thời gian chuẩn bị ngắn khó có thể giúp Hà Thanh tiệm cận được với các ngôi sao hàng đầu thế giới - vốn họ đã có tố chất, lại được đầu tư khoa học và có thời gian chuẩn bị dài hơi. Vì thế, Hà Thanh chỉ dám hy vọng cố gắng hết sức mình:

Một quan chức ngành thể thao từng tâm sự rằng, ông sẵn sàng đổi tất cả số HCV ở SEA Games lấy 1 HCV ở Olympic! Riêng điều này có thể thấy, mỗi tấm huy chương ở đấu trường Olympic quý giá như thế nào, như lời ông Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT:

Từ Sea Games đến Olympic là một chặng đường dài và cực khó. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, trong điều kiện hiện nay, được tham dự Olympic đối với thể thao VN là một bước tiến lớn. Về lâu dài, thành tích trong thể thao chỉ có thể nâng cao một cách tiệm tiến và chắc chắc, bằng những chiến lược đầu tư dài hơi và trọng điểm. Ông Minh nói:

Trong lịch sử tham dự các kỳ Olympic, TTVN từng giành HCB môn taekwondo của Trần Hiếu Ngân ở Sydney năm 2000 và HCB cử tạ của Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008, nhưng năm nay, khả năng giành huy chương của VN chỉ dừng ở hai từ “hy vọng”. Mong rằng, với những bước tiến trong thời gian gần đây, cùng với việc ngành thể thao nhận ra cần phải hoạch định chiến lược có chiều sâu, việc thể thao để lại nhiều dấu ấn đậm nét ở đấu trường Olympic sẽ là chuyện của tương lai gần.