Bến Nghé- Cột cờ Thủ Ngữ

(VOH)- Một khi nhắc đến Sài Gòn xưa, thì ngoài “Chợ Lớn” ra sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến địa danh “Bến Nghé”. Cái tên này vốn xuất hiện khá sớm, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con rạch và cuối cùng chỉ một địa phương.

Nghe bài viết:

Có nhiều cách hiểu địa danh này, trong đó, nhà địa danh học Lê Trung Hoa cho Bến Nghé là cái bến mà “người ta thường cho trâu, bò ra tắm” vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng “bến + tên thú” như rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé) …. Bến Nghé có lúc còn được gọi là Bến Trâu (trong bài Gia Định thất thủ vịnh).

Còn trong các sách chữ Nho, Bến Nghé được dịch là Ngưu Tân hay Ngưu Chữ; rạch Bến Nghé là Ngưu Giang.

Đó là về tên gọi, còn gắn với quy hoạch của Bến Nghé thì trước khi người Pháp đến, địa hình phạm vi Sài Gòn gồm một vùng cao ở phía Bắc, nơi cư dân hầu hết là các nhà phú hộ. Còn cư dân nghèo sống chen chúc dọc theo rạch Bến Nghé trong các căn nhà nhỏ nửa đất nửa sàn.

Giao thông trên bộ thời bấy giờ chủ yếu một số lô đất nhỏ được đắp cao lên vừa quá mức nước lúc triều cường. Cho nên, khi người Pháp đưa ra dự án thiết kế thành phố, khó khăn đặt ra là làm thế nào cải tạo mặt bằng phục vụ cho việc thiết lập các cơ sở hạ tầng, xây dựng công thự, các công trình công cộng khác phải có của một thành phố thích nghi với hoạt động thương mại phương Tây.

Rạch Bến Nghé và cột cờ Thủ Ngữ xưa...

Giải quyết vấn đề này, người Pháp cho thực hiện một giải pháp tương đối đơn giản. Trước tiên cho đào nhiều kinh ở các chỗ trũng thuộc vùng thấp của thành phố vừa để tạo điều kiện cho ghe thuyền lưu thông thuận lợi, vừa có tác dụng tháo nước làm trong sạch các vùng đầm lầy, đồng thời lấy đất lấp các vùng trũng khác. Khi các công trình đầu tiên được xây dựng trên những khu vực vừa được san lấp, người Pháp cũng cho san bằng vùng đồi phía Bắc Sài Gòn, lấy đất lấp các con kinh đào. Những kênh đào này chính là đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và đường vào cổng chính ở Ba Son ngày nay.

Cách vàm Bến Nghé vài trăm mét, trên mũi đất de ra sông Sài Gòn, thực dân Pháp đã cho dựng lên một cột cờ cao 30 mét gọi là cột cờ Thủ Ngữ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khu vực cột cờ Thủ Ngữ đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh vang dội của quân và dân ta.

... Cột cờ Thủ Ngữ ngày nay.

Còn ngày 30/4/1975 lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay trên cột cờ Thủ Ngữ, chào mừng ngày giải phóng của thành phố sau hơn 100 năm anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm.

Dù thời gian khiến Sài Gòn có nhiều thay đổi nhưng những giá trị văn hóa của Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay đã hòa vào nhau. Hiểu về Sài Gòn và những gì gắn bó với Sài Gòn, để từ đó, lại càng yêu thêm từng góc phố, con đường của TPHCM hôm nay.