Nếu bạn đọc chưa biết cách làm sao để tìm mượn 1 quyển sách tại thư viện này, bất kể lúc nào cũng được các thủ thư ở đây chỉ dẫn tận tình.
Thư viện khoa học tổng hợp tiền thân là thư viện của các Đô đốc – Thống đốc thành lập năm 1868. Trước năm 1975 là thư viện quốc gia Sài Gòn. Ngày 1/11/1976, đổi tên thành Thư viện quốc gia II, từ ngày 14/04/1978 chính thức mang tên “Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM”.
Đây được xem là điểm đến yêu thích của nhiều học sinh, sinh viên và người dân thành phố để đọc sách, nghiên cứu và giải trí. Từ những ngày đầu thư viện chỉ phục vụ bạn đọc ở dạng truyền thống với vốn sách ban đầu khoảng 500 ngàn bản. Hiện tại đầu sách đã đạt con số ấn tượng trên 2 triệu bản và đối tượng phục vụ cũng đa dạng hơn. Ngoài học sinh sinh viên thì nay bạn đọc là thiếu nhi, doanh nhân và người lớn tuổi cũng chiếm con số không nhỏ.
Công trình do kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện thiết kế kỹ thuật. Ảnh: mytour
Vốn tài liệu của thư viện được bổ sung phong phú và đa dạng từ nhiều nguồn. Thư viện thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm sách theo chuyên đề nhân các ngày Lễ, cung cấp tài liệu cho các thư viện tỉnh. Nơi đây cũng tổ chức và thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo chuyên đề cho các thư viện cơ sở và thư viện các tỉnh.
Trong quan hệ đối ngoại, thư viện là đơn vị ký gởi của UNESCO (1987-1993), Ngân hàng thế giới Tổ chức Lương nông quốc tế, Trung tâm Nguyên tử lực Quốc tế, có quan hệ nghiệp vụ với hơn 43 thư viện và cơ quan thông tin, trường đại học của 16 quốc gia, thông qua đó, hàng năm thư viện nhận được số tài liệu nước ngoài trị giá hàng trăm triệu đồng, trong đó có nhiều tài liệu quý cho công tác nghiên cứu.
Ông Bùi Xuân Đức – Giám đốc thư viện cho biết, nhiều năm qua, thư viện luôn cố gắng để sưu tầm, trao đổi cũng như mua thêm nhiều đầu sách quý để phục vụ cho công tác nghiên cứu và học tập của bạn đọc tốt hơn: “Hàng năm chúng tôi cũng cố gắng mở thêm các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Hàng năm, chúng tôi đều có phiếu hội nghị đọc giả, phiếu thăm dò để xem bạn đọc có nhu cầu gì, cần gì mà trong tầm tay có thể chúng tôi có thể xử lí nhanh, xủ lí liền hay cần thời gian dài để có quá trình chuẩn bị.
Những điều mà bạn đọc yêu cầu về cơ bản đều đáp ứng được ví dụ như: không gian đọc, internet, chỗ ngồi và tài liệu chúng tôi luôn sẵn sang phục vụ. Nếu thư viện không có thì chúng tôi cũng có nhiều mối quan hệ với các thư viện lớn trong nước cũng như là các thư viện quốc tế ví dụ như: thư viện Đức, thư viện Singapore để mình chụp mình gửi file về đáp ứng được nhu cầu của họ. Thư viện cũng từng bước số hóa những tài liệu mà bạn đọc có nhu cầu sử dụng”.
Năm 1990 Thư viện tiến hành tự động hóa một số chức năng, bắt đầu bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu đọc bằng máy, cung cấp việc tìm tin trên máy, tự động hóa công tác văn phòng, giúp công việc của các phòng chức năng được cập nhật, thông suốt và hiệu quả hơn. Năm 1996 mạng tin học của ngành thư viện công cộng toàn quốc được thiết lập. Thư viện được giao trách nhiệm là trung tâm mạng khu vực phía Nam, thực hiện các dịch vụ như email, truyền các tập tin cho thư viện tỉnh và truy cập vào cơ sở dữ liệu của thư viện quốc gia. Tự động hóa cũng được ứng dụng để bảo quản vốn tài liệu bằng cách chuyển dạng tài liệu, nhằm tăng khả năng truy nhập vào những tài liệu cũ, giòn nát.
Bình quân mỗi năm, thư viện phục vụ 1,3 triệu lượt bạn đọc, cả tại chỗ và lưu động. Năm 1995 thư viện thành lập Phòng Đa phương tiện đầu tiên nhằm phục vụ nhu cầu thông tin đạng điện tử, phim ảnh.
Năm 1998 đến nay, thư viện tổ chức hội thi “Nét vẽ xanh” hàng năm dành cho các em nhỏ, và cuộc thi đã thực sự lan tỏa và khơi gợi thêm niềm yêu thích hội họa cho các em. Thư viện còn có phòng đọc khiếm thị, studio sản xuất sách nói. Đặc biệt dự án xe “Thư viện internet lưu động” ra mắt vào năm 2007 với mục tiêu mang đến cơ hội đọc sách cho nhiều bạn đọc ở vùng sâu vùng xa. Với nhiều bạn đọc của TP, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc để vui chơi và học tập. Anh Minh Đức ở quận 6 bày tỏ: “So với trước kia lúc mình còn là sinh viên thì hiện tại thư viện đã cải thiện hơn rất nhiều rồi, nhất là đã có thư viện điện tử”.
Bạn Như Hoài, sinh viên trường Đại học Ngân hàng thì:“Mình thấy không gian ở đây rất thoải mái, tạo cho bản thân có thêm động lực để học tập hơn, mặc dù là một thư viện giữa lòng thành phố nhưng vẫn rất yên tĩnh”.
Chị Mỹ Châu ở Gò Vấp cho biết: “Đầu sách ở đây phong phú và hiện đại so với cách đây 4 năm mà mình thường xuyên đến, dịch vụ ngày càng tốt hơn và nhân viên thì rất thân thiện”.
Trong mỗi bước phát triển của thành phố, Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM luôn nỗ lực để đảm đương thật tốt vai trò và trọng trách của mình, là trung tâm văn hóa, dùng sách báo tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước cho đối tượng sử dụng thư viện.
Thư viện cũng giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học đường và nghiên cứu bằng việc tổ chức tốt các dịch vụ, nguồn lực và phương tiện của thư viện để đáp ứng các nhu cầu đa dạng từ việc nâng cao dân trí, hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ các học giả, các nhà nghiên cứu thực hiện các đề tài có chiều sâu, đầu tư vào các lĩnh vực chuyên ngành và sáng tạo kiến thức mới đến việc cung cấp kịp thời các thông tin chính xác và hữu dụng cho người sử dụng.
Ông Bùi Xuân Đức phấn khởi cho biết thêm: “Đến thời điểm này mình có thể xem thư viện như trung tâm văn hóa cộng đồng, tứ là một nơi mà mọi người dân đều có thể tiếp cận được, mà còn tiếp cận một cách dễ dàng. Thủ tục làm thẻ cũng rất đơn giản, hiện nay chúng tôi còn làm thủ tục cấp thẻ qua mạng, chỉ cần truy cập vào trang web của thư viện là sẽ biết thủ tục làm thẻ. Nếu như trước đây chỉ phục vụ ở dạng truyền thống, thì ngày nay chúng tôi còn phục vụ dưới dạng số, dạng vi phim và nhiều loại hình khác, như bản đồ, các bộ sưu tập số thì các bạn không cần đến đây mà vẫn có thể sử dụng được, truy cập được những tài liệu mà bạn đọc có nhu cầu”.
Suốt 40 năm qua, từ khi chính thức mang tên “Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM”, nơi đây đã trở thành một trong những đầu mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực thư viện thông tin để trao đổi tài liệu, nâng cao nghiệp vụ, tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ tin học trong lĩnh vực thư viện.