Đừng để gameshow thiếu nhi “mua vui” cho người lớn

(VOH) - Chưa bao giờ trên truyền hình, trẻ em tham gia game show, thi hát, thi diễn hài, thi các tài năng… nhiều như hiện tại.

Một điều đáng lo ngại nữa là trẻ em thi hát, hát bài người lớn với cảm xúc "vay mượn" không ít lần làm khán giả ngao ngán nhưng nhiều quá cũng thành… quen !

Người lớn có, con nít cũng có

Các gameshow, chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn bùng nổ chóng mặt và món nào người lớn nào ăn khách thì sẽ có ngay phiên bản nhí như Gương mặt thân quen nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Siêu hài nhí, Đầu bếp nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, The voice nhí, Vietnam idol nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Siêu mẫu nhí… Nhiều khán giả tự hỏi, các gameshow này nhắm đến đối tượng nhí hay chỉ là mua vui cho người lớn?

Nghe nội dung bài viết

Một tiết mục trong chương trình Gương mặt thân quen nhí. Ảnh: BTC

Trong “Gương mặt thân quen nhí”, các em phải giả dạng cả nghệ sĩ nhân dân và hát những ca khúc mà độ khó chỉ có nghệ sĩ nhân dân mới hát thậm chí có em còn giả gái hát “Thị Mầu lên chùa”. Ở “The Voice nhí” các em hát ca khúc tiếng Anh, tiếng Trung trong khi phát âm tiếng Việt còn chưa thực sự chuẩn.

“Siêu mẫu nhí” các thí sinh từ 3-7 tuổi mặc áo tắm, trang điểm lòe loẹt, tạo dáng “hấp dẫn” hơn cả siêu mẫu thật. Người lớn đã "biến" các em từ ông này sang bà nọ, từ cô này thành chú kia, chứ không phải là lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên.

Càng khó càng hay

Đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân - đạo diễn gameshow “Người hùng tí hon” thừa nhận: "Mức độ các bé 8 điểm mà bắt hát nhạc thiếu nhi với ca từ, nhịp điệu tiết tấu dễ thì các bé không thể hiện hết khả năng. Ban biên tập, ban cố vấn chuyên môn sẽ chọn những cái khó để các bé bộc lộ hết.

Có một lần, một bé hát bài "Tàu anh qua núi", yêu cầu kỹ thuật rất cao, các bé hát hay như vậy mà không cho hát thì sẽ bỏ phí năng khiếu của các bé".

Để đảm bảo đúng format chương trình, nhà sản xuất, Ban giám khảo càng làm khó, buộc các em làm chuyện từ không thể thành có thể, vậy mới tạo độ hấp dẫn và gây cấn. Vô tình chung biến các em thành “siêu nhân” trên sân khấu mà không quan tâm đến sự gồng mình quá sức. Nhưng có hề chi, miễn khán giả thấy vui là được.

Thái Phương - một phụ huynh ở Tân Bình cho rằng, không nên “ép” tuổi thơ của các bé: "Bố mẹ tác động thì con mới tham gia chương trình đó, hoặc là bố mẹ muốn con mình tham gia để nổi tiếng, chứ trẻ con vẫn nhỏ. Nếu các em tự nguyện hay có năng khiếu thì tham gia tốt. Nhưng nếu không có khả năng mà vì mong muốn của cha mẹ ép trẻ tham gia, tập hát bài người lớn là không nên".

Trong bất kỳ cuộc thi nào, yếu tố cạnh tranh là điều không tránh khỏi, ở đó có nước mắt và nụ cười, nhưng để các em xoáy vào cuộc đua thắng thua thì còn giữ ý nghĩa hồn nhiên? Chắc chắn, đây cũng chính là cuộc đua ngầm của người lớn, của các bậc phụ huynh đang cố gắng đẩy con mình trở thành “sao” nhí.

Còn tuổi thơ với gameshow trẻ em ?

Nhà báo Thu Hương, khẳng định: "Chuyện này không phải của các em mà là chuyện của người lớn vì các em cũng tham gia theo ý người lớn. Mình làm theo cách người lớn nên cái nhìn của trẻ em mất đi rất nhiều".

Không thể phủ nhận, một số em đã thành “sao” khi bước ra từ các sân chơi gameshow như Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân, Hồ Văn Cường, Cu Tin… nhưng fan của các em lại là người lớn. Không khỏi “nổi da gà” khi nghe Phương Mỹ Chi ngân nga câu hát hát “Em đi lấy chồng về nơi xứ xa” (trong ca khúc "Em về miệt thứ"), Hồ Văn Cường được khen ngợi hết lời khi hát “Duyên phận”. Ở lứa tuổi các em, các em có thực sự hiểu về nội dung của bài hát hay hát chỉ vì khán giả muốn nghe?

Nhà báo Lữ Đắc Long nhìn nhận: "Đề tài dành cho thiếu nhi là đề tài rất thiếu, và khi các nhà sản xuất làm ra chương trình cũng đã cân đo đong đếm. Có chương trình hấp dẫn nhưng cũng có chương trình vô thưởng vô phạt, thậm chí lạm dụng trẻ em nhiều quá. Nhìn kỹ lại, không phải chương trình thiếu nhi nào cũng dành cho thiếu nhi, đây mới là vấn đề đáng bàn.

Hầu hết các gameshow hiện nay lợi nhuận phải nằm đầu tiên, nếu muốn có những chương trình đúng dành cho các em thì chỉ có những nhà đài chính thức làm thì mới mong có tiếng nói dành cho thiếu nhi".

Dù các em thực sự có tài, già dặn hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng suy cho cùng các em vẫn là đứa trẻ cần được “nâng như trứng, hứng như hoa”. Việc sau một đêm trở thành “thần tượng”, “quán quân”, “người hùng”, “siêu mẫu”… sẽ mang lại khá nhiều áp lực.

Hậu “gameshow”, khi quay trở về cuộc sống thường nhật, quay lại trường lớp, các em phải đối mặt với khó khăn gì, các em có được trang bị kỹ năng và cả “chiêu trò” để vượt qua khủng hoảng tâm lý đó giống như khi đang thi gameshow?

Trẻ em cần được bảo vệ, đừng biến các em trở thành công cụ mua vui cho người lớn và nên trả lại đúng ý nghĩa gameshow thiếu nhi dành cho thiếu nhi.