Khi Tổ quốc cần, chúng tôi có mặt

(VOH) - Những ngày này, nếu có dịp quan sát, cảm nhận hơn bao giờ hết chúng ta lại thấy, giữa hoạn nạn, khó khăn, thì sự chung tay đồng lòng đã tạo nên sức mạnh vô biên.

Cụ thể đặt trong bối cảnh khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng cùng 1 số tỉnh, sự chi viện về y tế từ các bệnh viện trong cả nước với tinh thần không ngại khó, sát cánh kề vai cùng ngành y tế Đà Nẵng hay Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã cho thấy truyền thống tốt đẹp tự bao đời nay của cha ông ta để lạ. Khi có hữu sự, lập tức sẽ thấy được tinh thần đoàn kết  đã thực sự làm ấm lòng người, và đương nhiên, sự hiệp lực lúc nào cũng tạo nên sức mạnh vô biên trong cuộc chiến chống dịch này!

Khi Tổ quốc cần, chúng tôi có mặt

Bác sĩ Trần Thanh Linh  - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp tham gia công tác điều trị nơi tâm dịch. Ảnh: NVCC

Sở Y tế Thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế với phương châm dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng về hỗ trợ nhân lực y tế, trưa ngày 8/8/2020, 8 thành viên gồm 3 bác sĩ và 5 điều dưỡng thuộc chuyên khoa nội thận và lọc máu được Sở Y tế cử đi đã lên đường “chi viện” cho Đà Nẵng. Đây là đoàn cán bộ y tế đến từ các bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế.

3 bệnh viện của thành phố tham gia đợt ra quân đầu tiên này bao gồm: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện quận Thủ Đức.

Trước đó, cuối giờ chiều 7/8, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã cử đội phản ứng nhanh số 6 gồm bác sĩ  Lê Kinh Luân và điều dưỡng Nguyễn Xuân Hưng thuộc khoa Thận Nhân tạo lên đường ra Bệnh viện Hòa Vang  - Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Bộ Y tế. Đây là đợt lên đường thứ sáu của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy ra Đà Nẵng và các tỉnh lân cận để hỗ trợ trong việc phòng chống, điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19.

Viện Pasteur Thành phố cũng đã cử những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong phòng chống dịch ra tuyến đầu từ trước đó và ngay khi Covid-19 bắt đầu trỗi dậy ở Đà Nẵng thì các chuyên gia được Bộ Y tế cử đi đã có mặt ngay tuyến đầu chống dịch. Đoàn công tác của Bộ Y tế với các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực điều trị, giám sát dịch tễ và xét nghiệm được cử đến Đà Nẵng suốt những ngày vừa qua đã tập trung mọi nỗ lực tốt nhất giúp Đà Nẵng nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Họ làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành số lượng hàng ngàn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.

Trong bối cảnh từ ngày 25/7 khi có  ca bệnh đầu tiên cho đến nay, khi mà sự lo lắng đã hiện hữu nơi tâm dịch, hơn lúc nào hết, sự sát cánh kề vai của anh chị em khoác áo blouse trắng giúp chúng ta cảm thấy được hết sự cao quý của nghề Y, của nghiệp chữa bệnh cứu người. Khi mà giờ đây, với chiếc áo bảo hộ phòng dịch không thể ngăn được tình cảm và tấm lòng của họ đến với bệnh nhân.

Và ấm lòng biết bao, khi giữa lúc cam go nhất, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng đã xin phép Thủ tướng cho mình được ở lại sát cánh kề vai cùng anh em, hết dịch mới trở về. Ông đã đi kiểm tra tình hình bao quát trên các lĩnh vực, động viên anh em cán bộ nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân, đi kiểm tra giám sát không chỉ riêng các bệnh viện ở Đà Nẵng mà còn đến Quảng Nam, Quảng Ngãi.. Sự song hành của ông giữa lúc ngành y tế đang gồng mình chống Covid 19 thực sự là một hình ảnh đẹp, hiệu triệu bao trái tim và đó là sự truyền lửa không có gì sánh được.

Giữa tâm dịch, những hình ảnh thân thương có thể nói là sự lột tả chân thực nhất cuộc chiến cam go với Covid 19 hiện về, đó là hình ảnh những y bác sĩ kiệt sức vì làm việc bất kể ngày đêm, những bộ quần áo bảo hộ sũng nước như quên cả bản thân khi họ bước vào mặt trận chống dịch. Được tăng cường chi viện cho Đà Nẵng ngay từ ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát ở đây, từ đó đến nay, bác sĩ Trần Thanh Linh  - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy – người có biệt danh “Bác sĩ 91” do trực tiếp điều trị cho Bệnh nhân 91 cùng nhiều thầy thuốc luôn túc trực ngày đêm để chữa trị, cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Ban ngày anh thường xuyên có mặt tại bệnh viện để chữa trị cho các ca bệnh, còn ban đêm có lần bác sĩ Linh đã vội vã rời khách sạn lúc 2h sáng để đi cấp cứu cho bệnh nhân.

Được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tại Đà Nẵng, bác sĩ Linh cũng tâm sự, đối với những nhân viên y tế, những người trực tiếp làm cấp cứu thì đồng cơ lao vào “trận chiến” là nhiệt huyết, là tinh thần trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc. Trong “cuộc chiến” này, chưa biết đến thời điểm nào mới có thể khống chế hoàn toàn tại Đà Nẵng. Chúng tôi khi lên đường ít ai đặt ra mốc thời gian trở về mà chỉ tâm niệm hai điều: gia đình và nhất định sẽ quay trở về”!

Nói sao cho hết sự dũng cảm đến với vùng dịch bởi vì sự hiểm nguy đối diện với những rủi ro về sức khỏe luôn đến bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, niềm tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng với sự thấm nhuần tinh thần sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái cao cả ngàn đời là động lực để anh em ngành y tế TPHCM cùng các tỉnh, thành khắp mọi miền thẳng tiến đến tâm điểm của vùng dịch. Thấm nhuần tinh thần “chống dịch như chống giặc”, họ đã sống, đã làm việc với một tinh thần tập thể cao độ, khi Tổ quốc cần, chúng tôi có mặt.

Nhất Hương