Nỗi lo tiến sĩ giấy - bằng thật nhưng chất lượng giả

(VOH) - Mới đây, một loạt các sai phạm trong việc quản lý, đào tạo tại Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố khiến dư luận ngỡ ngàng.

Từ việc tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đều có sai phạm, rồi học một đằng, bằng một nẻo, đến kê khống, khai gian…

Trên thực tế, suốt một thời gian dài, có không ít những hoài nghi về chất lượng tiến sĩ đào tạo tại Việt Nam. Những sai phạm tại Học viện Khoa học xã hội cho thấy, sự nghi ngại đã trở thành nỗi lo thật.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần như bất kỳ khâu nào trong quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện này cũng dính sai phạm. Một sự sai phạm dây chuyền.

Số lượng chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội vượt quá năng lực đào tạo của Học viện. Như chỉ có 86 chỉ tiêu nhưng đăng ký đào tạo hơn 2.000, hơn gấp hàng chục lần. Điều đó cũng giải thích lí do vì sao cùng tại một thời điểm có người được giao hướng dẫn tới 44 học viên, hay ít hơn chút cũng xấp xỉ 10, 20 học viên. Những số liệu thống kê vượt xa qui định, củng cố thêm những hoài nghi về chất lượng đào tạo tiến sĩ là có cơ sở hẳn hoi.

Chưa hết, thiếu người hướng dẫn học viên, dễ hiểu khi có  những trường hợp không đủ điều kiện vẫn được Học viện đưa vào danh sách Hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp. Chẳng hạn, các giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành về tâm lý học lại ngồi hội đồng của học viên chuyên ngành quản lý giáo dục. Kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Hội đồng không chuyên đó đánh giá như thế nào với bài luận văn bảo vệ? Đó là chưa kể, một số đề tài nghiên cứu của các tiến sĩ bị đánh giá là chỉ đáng làm tiểu luận, thậm chí không có giá trị thực tiễn.

Cũng theo kết luận thanh tra, sổ cấp phát văn bằng còn có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa, nhiều mục chưa có đầy đủ các thông tin theo quy định. Và hệ quả, có thể dễ dàng hình dung năng lực thật sự của những ông bà thạc sĩ, tiến sĩ xuất thân từ Học viện này là như thế nào.

Các bằng thạc sĩ, tiến sĩ ấy chắc chắn khó đáp ứng công việc thực tế, cũng khó có thể có những nghiên cứu khoa học chất lượng nào có thể ứng dụng. Có chăng, đó chỉ là những thạc sĩ, tiến sĩ giấy, chỉ để làm đẹp cho bộ hồ sơ.

Và rằng, nguy hại hơn, rốt cuộc những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thật nhưng chất lượng giả nói trên chỉ có thể trà trộn vào hệ thống công chức nhà nước. Đơn giản, khi không có năng lực, thực tài, làm sao có thể trụ được ở các doanh nghiệp tư nhân.

Từ những bất cập như đã kể khiến những đóng góp của các tiến sĩ thật sự có chất lượng, học hành nghiêm túc và có những nghiên cứu nổi bật lại bị đánh đồng với những tiến sĩ bằng thật, chất lượng giả.

Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu học. Sẽ không quá lời khi nói rằng trong nhà có người là thạc sĩ, tiến sĩ, hay giáo sư là niềm hãnh diện lớn lao không chỉ đối với các bậc phụ huynh mà còn dòng tộc, họ hàng, làng xóm. Để được một chức danh học hàm học vị là điều cực kì khó khăn.

Đào tạo tiến sĩ là đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tinh hoa, hiền tài của đất nước. Thế nhưng, việc trở thành bà thạc sĩ, ông tiến sĩ hiện nay dường như không còn phải là điều quá khó khăn, nếu như không muốn nói là “ra ngõ gặp tiến sĩ”.

Qua vụ việc thanh tra ở Học viện Khoa học xã hội - lò đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giấy, người dân đặt vấn đề vai trò quản lý, thanh kiểm tra của ngành Giáo dục và Đào tạo như thế nào, khi rất nhiều những sai phạm rõ ràng? Hơn thế, những sai phạm diễn ra suốt mấy năm, quãng thời gian có thể ra lò cả ngàn tiến sĩ?

Mỗi người đều có một ham muốn cho bản thân. Danh vị là miếng thơm mà ai cũng muốn có. Tuy nhiên, để cho người người công nhận, nể phục thì chất lượng thực mới là yếu tố hàng đầu, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Sẽ không có một sự tôn kính nào khi sự giả dối bị phát hiện. Không có một sự khuất tất nào không bị soi rọi bởi ánh sáng công lý.

Đã đến lúc bậc đào tạo tiến sĩ cần phải có những thay đổi quyết liệt, siết chặt lại để học vị tiến sĩ được trao đúng người có đóng góp hữu ích trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng cuộc sống. Nghĩa là có thực học, thực tài.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - vì thế, điều quan trọng hơn hết, các cơ sở giáo dục được Nhà nước giao trọng trách đào tạo càng phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác, đào tạo hiền tài cho đất nước. Không nên vì bất kì lí do nào mà làm giảm đi niềm tin của xã hội, gây hệ lụy về sau.