Thuê người hoặc mua phần mềm gián điệp theo dõi người khác bị phạt tiền và phạt tù?

(VOH) - Hàng loạt vụ việc nghe lén điện thoại thông qua phần mềm gián điệp bị phanh phui. Những người cung cấp dịch vụ chắc chắn bị xử lý hình sự. Nhưng những người chủ động ký hợp đồng cài đặt phần mềm nghe lén, lấy cắp thông tin từ điện thoại người khác liệu có chịu chế tài của pháp luật?

Giữa năm 2014, dư luận rúng động sau thông tin lực lượng công an phát hiện 14 ngàn điện thoại bị cài đặt phần mềm nghe lén.

Cách đây nửa tháng, một đường dây chuyên cung cấp dịch vụ "vụng trộm" này lại bị phát hiện ở thành phố Hồ Chí Minh. Và ngay mới đây thôi, một đường dây hoạt động tương tự trong nhiều năm vừa sa lưới.

Những bị cáo bị xét xử trong vụ án công ty TNHH công nghệ Việt Hồng đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet. Ảnh minh họa -nguồn: Internet.

Nặng có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở những kẻ buôn bán các dịch vụ “rình trộm này” bởi nếu không có cầu sao lại có cung? Phải chăng chuyện kiểm soát người yêu hay vợ, chồng, chuyện lấy cắp thông tin người khác đã trở thành chuyện thường ngày, có tiền là mua được?

Đó không đơn giản là mối quan hệ dân sự giữa người mua và kẻ bán. Bởi mặt hàng được ký hợp đồng xâm phạm đến đời tư của người khác.

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp – đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, việc sử dụng phần mềm gián điệp để can thiệp vào điện thoại người khác có thể bị xử lý hình sự. Điều 125 Bộ luật hình sự 1999 có quy định mức phạt cho hành vi này là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Theo đó, người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Nếu phạm tội có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Ý kiến của luật sư Huỳnh Phước Hiệp:

Nhẹ thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng

Việc truy cập điện thoại người khác bất hợp pháp còn được thể hiện tại điều 226a của luật sửa đổi bổ sung 1 số điều của bộ luật hình sự 1999. Theo đó, người nào cố ý truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Nếu là phạm tội có tổ chức; thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm;

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, việc kinh doanh các phần mềm gián điệp còn gây nhiều hậu quả nguy hiểm khác. Không chỉ dừng lại ở việc xâm phạm bí mật đời tư mà nó hể ảnh hưởng đến bí mật an ninh quốc gia. Việc cố ý làm lộ bí mật nhà nước xâm phạm đến nhiều quan hệ pháp luật và chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự.