Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ngày thơ Việt Nam Xuân Kỷ Hợi 2019 - Hướng về biên cương Tổ quốc

(VOH) - Năm nay Ngày thơ tại Thành phố Hồ Chí Minh mang chủ đề Hướng về biên cương Tổ quốc

Trách nhiệm với Tổ quốc

Mùa xuân là mùa của tình yêu, thơ ca và lễ hội, mùa của khát khao được đón nhận những sắc màu tươi non, mát ngọt của cuộc sống. Nhưng những xúc cảm đó chỉ thực sự thăng hoa khi hạnh phúc của mỗi người hòa chung với hạnh phúc của đất nước, của dân tộc. Và trong sâu thẳm tâm hồn của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ đất Việt vẫn đau đáu những nỗi niềm về trách nhiệm của người cầm bút với từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày thơ lần thứ 17 - Ngày thơ Việt Nam năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc, 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ nên năm nay Ngày thơ tại Thành phố Hồ Chí Minh mang chủ đề Hướng về biên cương Tổ quốc. Đây cũng là dịp mà các nhà thơ, những người yêu thơ thành phố mang tên Bác mong đợi.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII-2019

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII-2019

Nhà văn Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội nhà văn thành phố, phát biểu khai mạc: “Ngày thơ Việt Nam xuân Kỷ Hợi được tổ chức trong bối cảnh đất nước nói chung, TPHCM nói riêng đã có sự thăng hoa, phát triển kinh tế xã hội, chất lượng sống của người dân, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao rõ rệt. Thơ là tiếng lòng của con người. Tiếng thơ hướng về biên cương Tổ quốc, sẽ lan tỏa sâu rộng trong đời sống văn học, đời sống xã hội”.

Trong số các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TPHCM đang sinh sống và làm việc tại thành phố, có nhiều người từng là người lính cầm bút như nhà văn, nhà thơ, đạo diễn Văn Lê, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà văn - đạo diễn Lê Văn Duy,... Các tác phẩm của họ là khúc tráng ca, ôn lại thời hào hùng của dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ biên cương bờ cõi.

Tình yêu quê hương

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu – Người từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam rất xúc động khi nhắc về những người đồng đội của mình trong bài thơ Điểm danh đồng đội. Những người lính bộ đội Cụ Hồ không tiếc tuổi thanh xuân, không sợ hy sinh xương máu cho bình yên bờ cõi. Họ tự hào vì đã góp phần bảo vệ từng tấc đất quê hương, giữ gìn yên bình cho biên cương Tổ quốc. Chính vì vậy mà trong họ luôn âm ỉ chảy dòng thơ yêu nước, dòng thơ về cách mạng và ước mong thế hệ sau sẽ ý thức trách nhiệm của người công dân với quê hương, trách nhiệm của người viết với con chữ nhiều hơn, nặng nề hơn.

“Chúng tôi mong muốn nhắc nhở mọi người về trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với nhân dân thông qua chương trình thơ này. Chúng tôi mong muốn Tổ quốc luôn luôn trên vai mình, trong trái tim mình và trong mọi hành động của mình”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu chia sẻ.

Tiếp bước lớp nhà thơ đi trước với những áng thơ về Tổ quốc, biên cương, các nhà thơ trẻ ngày nay cũng đã ý thức trách nhiệm của mình trong những sáng tác thi ca. Không chỉ là ôn lại truyền thống một thời hào hùng của ông cha dựng nước, giữ nước, mà trong từng câu chữ, trong từng vần thơ, niềm tự hào dân tộc, xây dựng đất nước, phản ánh đời sống người dân luôn được các văn nghệ sĩ chú trọng. “Chúng tôi đã có những cảm xúc rất mạnh mẽ. Tấm lòng của mình, về tâm tư nguyện vọng của mình đối với chủ quyền của đất nước, đối với tình yêu cuộc sống, về sự khó khăn gian khổ của người chiến sĩ, của đồng bào, của bà con mình ở những nơi đầu sóng ngọn gió như vậy”, nhà thơ Phan Trung Thành – tác giả tập thơ mới nhất viết về biển đảo Tiếng chuông trong bão, nói.

Ngày thơ năm nay chủ đề “Hướng về biên cương Tổ quốc” đã lan truyền tinh thần yêu nước, yêu quê hương, giữ gìn bờ cõi, chú trọng chọn lọc các tác phẩm chất lượng, trong đó có 15 bài về biên giới, hải đảo, 5 bài về đề tài thành phố Hồ Chí Minh. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 còn là nơi để các câu lạc bộ hội tụ, giao lưu và đọc diễn thơ cho nhau nghe. Từng dòng người nô nức đến với Ngày hội thơ tại thành phố càng làm cho chúng ta tin rằng dòng chảy thi ca như mạch nước ngầm luôn chảy trong lòng thành phố phát triển.

Bình luận