Danh ca Phương Dung bắt đầu ca hát vào đầu thập niên 60, lúc đó cô chỉ vừa 17 tuổi. Năm 1962, cô bắt đầu nổi tiếng với ca khúc Nỗi Buồn Gác Trọ của nhạc sĩ Mạnh Phát & Hoài Linh. Sau đó, nữ danh ca may mắn được thọ giáo những nghệ sĩ lớn và được họ trao những bài hát “đo ni đóng giày” khiến tên tuổi cô càng vươn xa.
Nhắc đến Phương Dung, công chúng yêu nhạc nhắc ngay đến những nhạc phẩm Hoa trinh nữ, Tạ Từ Trong Đêm (st: Trần Thiện Thanh), Những Đồi Hoa Sim (st: Dzũng Chinh và Hữu Loan), Sương Lạnh Chiều Đông (st: Mạnh Phát), Chuyến Tàu Hoàng Hôn (Minh Kỳ - Hoài Linh),… 60 năm kể từ ngày biệt hiệu “Nhạn trắng Gò Công” xuất hiện, Phương Dung vẫn là một hình tượng đẹp trong lòng người hâm mộ, một tiếng hát vượt thời gian đi cùng những bản tình ca bất hủ.
Trong tập 5 của Hãy Nghe Tôi Hát, với đêm thi được làm giám khảo chủ đề, danh ca Phương Dung đặt sự kỳ vọng đặc biệt vào các ca sĩ trẻ - những người đang tiếp nối sự nghiệp phát triển dòng nhạc bolero, nhạc xưa. Cô cho biết: "Tôi chỉ muốn các em hát thật truyền cảm, hát đúng ý của tác giả. Thời gian qua nghệ thuật có nhiều thay đổi, tôi mong các em với chất giọng thiên phú, dáng vóc đẹp sẽ giúp cho thị trường âm nhạc Việt Nam có một sự tiến bộ vượt bậc".
Ngoài danh ca Phương Dung và Thái Châu, Đông Đào sẽ trở thành giám khảo khách mời cho đêm thi. Lần đầu tiên đến với chương trình, nữ ca sĩ vô cùng háo hức chờ đợi sự thể hiện của các ca sĩ. Với tâm lý khá thoải mái khi được ngồi ghế nóng cùng danh ca Phương Dung, Đông Đào cho biết, thật ra trước đây chị từng rất run rẩy mỗi khi đứng gần nữ danh ca. "Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp xúc và làm việc cùng nhau, Đông Đào biết được danh ca Phương Dung rất thương và nâng niu đàn em nên tôi không còn cảm giác run nữa", cô chia sẻ thêm.
Ngồi ghế giám khảo nhìn Đan Chi trong tà áo dài trắng thể hiện lại ca khúc Hình Ảnh người Em Không Đợi, danh ca Phương Dung không khỏi bồi hồi xúc cảm nhớ về những kỷ niệm gắn liền với ca khúc này cách đây 53 năm.
Cô kể: "Vào năm 1966, tôi đi hát tại Thái Lan đã từng trình diễn bài hát Hình Ảnh người Em không đợi trên sân khấu lớn nhất của Bangkok. Lúc đó có 12 vũ công, không phải 5 người như Đan Chi đâu. Khác nữa là họ mặc áo dài mà không mặc quần vì thầy Trịnh Toàn kêu mặc bikini bên trong cho sexy.
Người nước ngoài họ thắc mắc và rất phản đối việc vũ công mặc áo dài mà không mặc quần, chỉ có mỗi ca sĩ là mặc nguyên bộ áo dài thôi. Tới nay mỗi khi nghe lại ca khúc này, có những kỷ niệm làm tôi xúc động và rất buồn cười khi nhớ tới hình ảnh mặc áo dài mà không mặc quần dài. Và đó cũng là một hình ảnh không đẹp mắt đối với người ngoại quốc khi đi xem mình hát".