Chờ...

"Lý luận phê bình nhiếp ảnh phải đi song hành với sáng tác ảnh nghệ thuật"

(VOH) - Đến với Hội nhiếp ảnh TPHCM chúng ta sẽ thấy được niềm đam mê, sự nỗ lực của các nghệ sỹ được thể hiện qua ống kính của họ. Trong năm qua, giới nhiếp ảnh luôn bám chặt vào dòng chảy của đời sống và hướng về các đề tài lớn như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nông thôn mới, an toàn giao thông…tất cả phản ánh về thực tiễn xã hội, thực tiễn cuộc sống. Với những chủ đề sáng tác như vậy, trong năm qua, Hội nhiếp ảnh TP.HCM cũng đã có nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật mang tầm vóc không chỉ trong nước mà còn giao lưu với bạn bè quốc tế và gặt hái được nhiều giải thưởng có giá trị.

Tổng kết một năm hoạt động của Hội nhiếp ảnh TPHCM, phóng viên Đài TNND TP.HCM có cuộc phỏng vấn ông Lê Xuân Thăng, PChủ tịch Hội nhiếp ảnh TPHCM, về những thành tựu nổi bật về tình hình lý luận phê bình trong năm qua, cùng với phương hướng trong năm 2013 mà Hội nhiếp ảnh TPHCM sẽ thực hiện.

Nghe nội dung cuộc phỏng vấn:



Thưa ông, chúng ta đang ở trong những ngày đầu năm mới của năm 2013, vậy thì nhìn lại chặng đường một năm đã đi qua, ông cho biết một số những thành tựu nổi bật, bên cạnh đó thì Hội nhiếp ảnh TP.HCM có những phương hướng cũng như những kế hoạch gì trong năm 2013?

Ông Lê Xuân Thăng phó chủ tịch Hội nhiếp ảnh TPHCM.

Năm 2012 là năm thứ 3, được gọi là năm bản lề của Hội nhiếp ảnh TP.HCM. Với niềm đam mê và nỗ lực, nhìn chung Hội nhiếp ảnh thành phố đã hoàn thành được những mục tiêu lớn đặt ra với nhiều kết quả được xem là đáng khích lệ. Điều đáng mừng là các tay máy trẻ đã ngày một vững vàng trong cách chọn đề tài và kỹ thuật thể hiện. Đặc biệt là bộ ảnh: “Chiếc áo mới trên dòng kênh xanh Nhiêu Lộc” của tác giả Đinh Ngọc Trung, được hạng A giải thưởng VHNT TP.HCM lần thứ nhất. Qua đó cho thấy ống kính của các nghệ sỹ đã thực sự bám chặt vào dòng chảy của đời sống và hướng về các đề tài lớn như: Nông thôn mới, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, an toàn giao thông…Bằng một cách nhìn nghệ thuật đã góp nhiều ghi nhận và cổ vũ cho bước phát triển chung của TP.HCM. Cho đến nay, chúng tôi có thể khẳng định Hội nhiếp ảnh TP.HCM đã hoàn thành được chỉ tiêu của mình đặt ra từ đầu năm 2012. Về hướng phát triển của năm 2013, Hội nhiếp ảnh TP.HCM vẫn duy trì, vận động các Hội viên của mình bám sát vào dòng nhiếp ảnh hiện thực, đem đời sống hiện thực phản ánh vào trong các tác phẩm của mình, để động viên nhân dân TP.HCM và cả nước cùng đi lên. Đặc biệt trong năm 2013, chúng tôi sẽ đẩy mạnh lý luận phê bình, và xem lý luận phê bình là người bạn đồng hành trong sáng tác nghệ thuật.

Trong năm qua có rất nhiều đề tài lớn mà các Hội VHNT đang hướng tới như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bảo vệ biên cương- hải đảo của tổ quốc, và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước, vậy thì ngành nhiếp ảnh, trong năm qua đã hướng tới đề tài này như thế nào?

Góp sức vào đề tài này thì Hội nhiếp ảnh TP.HCM đã vận động Hội viên trong cả nước, đặc biệt là các tác giả trong TP.HCM, bám chặt được đề tài bảo vệ biển đảo, các nghệ sỹ như: Đoàn Hoài Trung, Hoàng Chí Hùng đã làm cuộc triển lãm tại nhà Văn hóa phụ nữ TP.HCM về đề tài biển đảo của đất nước. Nói chung, đề tài này được đông đảo bạn đọc và người xem đều hoan nghênh và đánh giá cao sự cống hiến của tác giả, biết bám chặc các đề tài để nói lên được đời sống rất sinh động và quý giá của các chiến sĩ. Chúng tôi cũng đã vận động các Hội viên bám sát vào đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các tác giả cũng đã thể hiện được rất thành công đề tài này. Nhiều tác phẩm đã đạt được giải thưởng HCM lần thứ 5 vừa qua.

Thưa ông, ngành nhiếp ảnh TP.HCM nói riêng và của cả nước nói chung, trong năm qua chúng ta đã có những buổi giao lưu và tham dự nhiều cuộc thi quốc tế, vậy xin ông cho biết, ngành nhiếp ảnh có những giải thưởng nào đã đạt được và riêng ông thì ông

đánh giá những tác phẩm đó như thế nào?

Theo tôi thì đây là một mảng đề tài khá quan trọng đối với các nghệ sỹ nhiếp ảnh thành phố trong vai trò là hội nhập với thế giới. Nhìn chung, tất cả các nghệ sỹ của chúng ta gửi ảnh tham dự cuộc triển lãm ảnh quốc tế, đều nắm được nhịp hoạt động chung của nhiếp ảnh thế giới. Thành ra đã đạt được một thành tích khá cao. Đặc biệt trong năm 2012, CLB nhiếp ảnh Gia Định đã tổ chức thành công cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 3. Về chất lượng nghệ thuật của các tác giả đoạt giải thưởng cao, thì tôi cho rằng muốn thành công được như vậy thì đầu tiên các nghệ sỹ thành phố và trong cả nước phải bám chặt với đời sống và sức mạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam khi đi ra nước ngoài phải có tính nhân văn cao, mang một ngôn ngữ của đa quốc gia dù ở dân tộc nào cũng có thể hiểu được.

Như đã biết thì tình hình lý luận phê bình hiện nay cũng còn nhiều hạn chế so với sự phát triển của nền VHNT nước nhà, vậy thì theo ông tình hình lý luận phê bình của ngành nhiếp ảnh hiện nay như thế nào?

Cũng như là các loại hình VHNT khác, số lượng người theo đuổi ngành lý luận phê bình VHNT ở nước ta thì còn ít. Chúng ta không có những cây bút lý luận thực sự về chuyên ngành, mà thường là đa số anh em làm trong các lĩnh vực khác và xem lý luận phê bình như là cánh tay trái của mình. Chính vì vậy nên tôi nói ít về mặt số lượng. Đánh giá chung lý luận phê bình tôi thấy đây là một điều khó

. Nó không chỉ khó với ngành nhiếp ảnh, mà hầu như các bộ môn VHNT khác cũng gặp khó khăn này. Năm 2013 này thì Hội nhiếp ảnh TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác lý luận phê bình, bằng cách sẽ vực dậy lĩnh vực này để lý luận phê bình nhiếp ảnh là một bộ môn nó đi song hành với sáng tác ảnh nghệ thuật để có một định hướng tốt hơn để đáp ứng sự yêu cầu mong mỏi chung của các nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh.

Xin cảm ơn ông.