Cần lan tỏa các tác phẩm học Bác trong đời sống văn hóa

(VOH) - Khai thác đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà xuất bản Tổng hợp vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm trong đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Nhà xuất bản Tổng hợp đã phát hành 29 tựa sách về Bác Hồ kính yêu và luôn đặt nhiệm vụ cho mình phải khai thác, quảng bá tốt, đưa sách đến gần với độc giả. Đó cũng là một phần đóng góp của Nhà xuất bản trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.

Mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp cũng phát hành tác phẩm “Khát vọng Hồ Chí Minh – Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu” của PGS. TS Bùi Đình Phong.

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021), VOH trao đổi cùng bà Đinh Thị Thanh Thủy – Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh về phát triển dòng sách viết về Bác.

Ứng cử viên Đinh Thị Thanh Thuỷ, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp
Bà Đinh Thị Thanh Thuỷ, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp

*VOH: Thưa bà, trong khoảng 10 năm trở lại đây thì Nhà xuất bản Tổng hợp đã phát hành 29 tựa sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Bà có những chia sẻ khi xuất bản những tác phẩm này?

Bà Đinh Thị Thanh Thủy: Với nhà xuất bản chúng tôi, mỗi năm mình tự đề ra cho mình nhiệm vụ, phải triển khai tìm được ít nhất là 1 đến 2 tác phẩm về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi luôn cố gắng đi tìm các tác giả có uy tín, cùng trao đổi, gợi mở với tác giả để chuẩn bị đề tài cho năm sắp tới.

Nếu những năm trước, chúng tôi có những tác giả như thầy Mạch Quang Thắng, các tác giả TPHCM, thầy Hà Minh Hồng… những năm gần đây thì thầy Bùi Đình Phong cũng luôn gợi ý cho chúng tôi là muốn viết về đề tài này.

Được sự cộng hưởng, động viên khuyến khích từ cả 2 phía, chúng tôi luôn có kế hoạch và đặt đề tài để cố gắng làm sao trong đợt 19/5, 5/6 hàng năm đều sẽ có ấn phẩm mà mình tâm đắc. Một đợt thứ hai trong năm là thời điểm 2/9.

*VOH: Khi làm những tác phẩm này, Nhà xuất bản có những khó khăn, thử thách?

Bà Đinh Thị Thanh Thủy: Khó khăn hiện nay có thể thấy là nghiên cứu về Bác là chủ đề, một nguồn cảm hứng rất lớn. Thế nhưng, tư liệu và nhân chứng, những người đã cùng làm việc với Bác thì cũng ít dần.

Chúng ta nghiên cứu mở rộng đề tài, nội dung theo hướng nào thì đó là cả một thách thức đối với người làm sách. Trong những điều kiện đó, mạch mà chúng ta tiếp tục đi tìm kiếm, khai thác là về cuộc đời sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác. Nhưng khai thác, mở rộng hơn thì chúng tôi nghĩ, phải đi tìm những con người cụ thể học tập, noi theo và thấm đẫm tư tưởng, tinh thần nhân văn của Bác.

Mình phải chỉ đúng người, đúng việc thì như vậy mới có giá trị lan tỏa. Với suy nghĩ đó, chúng tôi luôn luôn đi tìm cho mình các tác phẩm gắn với việc học tập theo Chỉ thị 05.

*VOH: Cách quảng bá các tác phẩm này đến với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ như thế nào? 

Bà Đinh Thị Thanh Thủy: Tôi thấy cái này là cái khó mà chúng tôi đang cũng phải suy nghĩ làm như thế nào để đưa tác phẩm đến độc giả một cách tự nhiên. Bên cạnh tính khoa học thì làm sao chuyển tải tinh thần cốt lõi đó đi vào trong từng tác phẩm là nhiệm vụ của mình.

Nhiệm vụ tới đây, mình làm sao bên cạnh tác giả tên tuổi thì còn có tác giả trẻ viết và chuyển tải tinh thần đó theo phong cách có thể đi đến độc giả trẻ một cách là tự nhiên nhất. Với tôi, điều đó còn là băn khoăn.

Chúng ta biết là nền tảng công nghệ số ai cũng mong muốn nhưng mà kinh phí đầu tư không hề ít. Phải tính đến cách là mượn sức của nhau để cùng đi trên con đường đó. Như vậy, mới mở hướng cho mình để phong phú các công nghệ đọc, các thiết bị đọc, đưa đến tay bạn đọc.

*VOH: Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI có việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Bà có hiến kế nào?

Bà Đinh Thị Thanh Thủy: Nếu chúng ta tư duy thì sẽ tìm ra được đặc trưng trong lĩnh vực của mình là gì và sử dụng đặc trưng đó gắn với chuyên môn sẽ thể hiện như thế nào.

Ví dụ, đối với các đơn vị bảo tàng, nói chuyện về lịch sử, văn hóa.. thì đặc trưng là từ hiện vật, hiện vật tại bảo tàng. Đối với nhà xuất bản, công cụ, phương tiện là sách giấy, ebook, audio book.

Các đơn vị nghiên cứu, tìm hiểu cốt lõi từ tinh thần, người ta gọi là văn hóa phi vật thể. Nếu suy nghĩ nghiêm túc, biết trăn trở thì chúng ta sẽ có được những sản phẩm để đóng góp chung vào công trình mà TP, lãnh đạo TP đang ấp ủ là xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, mà đến đây có đặc trưng riêng: không gian văn hóa mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

*VOH: Cảm ơn bà !